Doanh nghiệp tận thu cát ở Duy Trinh: Người dân yêu cầu đóng cửa mỏ

TRẦN HỮU 07/06/2018 10:20

Dù người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương tổ chức đối thoại nhiều lần, nhưng người dân vẫn cương quyết yêu cầu đóng cửa 2 mỏ cát tại thôn Đông Yên (xã Duy Trinh, Duy Xuyên).

Cuối năm 2017, người dân thôn Đông Yên tụ tập đông người kéo ra hiện trường khu vực khai thác cát của Công ty CP An Thịnh và Công ty TNHH Nhất Tài nhằm gây sức ép lên chính quyền yêu cầu doanh nghiệp đóng mỏ. Chưa dừng lại ở đó, một đơn kiến nghị tập thể với hơn 50 chữ ký gửi ngành chức năng và chính quyền các cấp vào cuộc giải quyết. Ông Nguyễn Văn Tài, người dân thôn Đông Yên bức xúc: “Trước đây 3 sào đất nhà tôi trồng đậu phụng, mè cho thu nhập khá nhưng thời gian vừa qua gia đình bất đắc dĩ phải chuyển qua trồng dưa vì bị cát bồi. Trong khi dưa thì bán tháo với giá rẻ mạt”.

Theo người dân, sau đợt mưa lũ cuối năm 2017, tình trạng bồi lấp dòng sông càng nặng, nhiều diện tích trồng trọt bị xói lở. Từ ngày 2 mỏ cát hoạt động, hiện tượng bồi cát không theo quy luật tự nhiên. Trước sự phản ứng của người dân, khu vực mỏ cát của 2 công ty trên từ năm 2015 phải tạm dừng hoạt động nhiều lần. Theo người dân, 2 doanh nghiệp trên đã dùng máy hút cát ống lớn, hút sâu gây lở đất sản xuất của nhân dân và tạo dòng chảy lở đất vào làng nơi người dân ở, làm mất hơn 30ha đất ven sông ở gò đất Non, gò Ông Út, gò Ông Nhất, gò Ông Nhì. Đến năm 2016, hoạt động khai thác cát tiếp tục gây bồi lấp hơn 35ha đất canh tác tại gò Ông Ba, gò Ông Bốn, gò Bắc Giang. Mỏ cát của Công ty TNHH Nhất Tài được cấp phép trên diện tích 3,3ha, thời gian khai thác từ tháng 6.2015 và đến ngày 6.9.2018 sẽ hết hạn. Theo công ty này, việc tạm ngừng hoạt động cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn, rất mong chính quyền chủ trì họp dân, giải thích cho người dân hiểu để doanh nghiệp được sớm hoạt động trở lại.

Theo Phòng Khoáng sản (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường), mỏ cát tại thôn Đông Yên được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty CP An Thịnh và Công ty TNHH Nhất Tài từ năm 2015. Sau khi doanh nghiệp khảo sát địa điểm, phù hợp với quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, các ngành chức năng tham gia góp ý kiến, trong đó ngành tài nguyên môi trường tham gia đánh giá báo cáo tác động môi trường rất kỹ. Tuy nhiên, dù các đơn vị hoạt động hợp pháp nhưng khi xảy ra xung đột, người dân có ý kiến thì phải tạm dừng tận thu. Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên khẳng định, 2 mỏ cát hoạt động dưới sự chấp thuận của UBND tỉnh. Trước khi cấp phép, các bước khảo sát, xem xét, đánh giá tác động môi trường làm rất chặt chẽ. Tình trạng hút cát gây sạt lở, bồi lấp là có, vấn đề ở mức độ nào mà thôi. Bởi vậy, người dân cần tạo điều kiện cho địa phương có nguồn cát để xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế; ủng hộ cho doanh nghiệp khai thác thêm một thời gian nữa để họ bù vào nghĩa vụ thuế đã nộp cho Nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của người dân yêu cầu đóng cửa mỏ. Ông Dũng cho rằng, do 2 mỏ cát được UBND tỉnh ký quyết định nên giải quyết cuối cùng như thế nào thuộc thẩm quyền của tỉnh.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU