Triết lý nào?
Phiên chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT ở Quốc hội hôm qua 6.6, có một chi tiết khiến tôi kinh ngạc. Đó là khi Chủ tịch Quốc hội đỡ lời cho bộ trưởng trước yêu cầu của một đại biểu muốn nghe bộ trưởng khái quát về “triết lý giáo dục” của nước ta. Chủ tịch nói cần phải có một hội thảo để trả lời vấn đề đó.
Thế ra từ trước tới nay, chưa từng có một “hội thảo” nào để xác định cái điều căn bản đầu tiên mà một nền giáo dục cần có để triển khai thành hoạt động giáo dục? Thế thì những cái gọi là “hoạt động giáo dục” lâu nay dựa vào cái gì, nên gọi là gì?
Làm sao mà không bâng khuâng cho được. Từ bao năm nay, có phải chúng ta đã nghe đến thuộc nhão những câu đại loại “giáo dục là quốc sách”, hay nhắc đi nhắc lại câu nói của cổ nhân, “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”…
Một “quốc sách” mà không xác định cái nền tảng giá trị, cái mục đích muốn đạt tới là gì, thì những chính sách, chiến lược, phương pháp thực hiện… lấy gì mà làm quy chiếu để thành lập và vận hành?
Bao nhiêu năm qua, Bộ GD&ĐT và các nhà quản lý giáo dục soạn thảo chương trình, viết sách giáo khoa, đổi mới thi cử, cải cách phương pháp v.v., và tổ chức dạy dỗ con em chúng ta mà không hề mong muốn/ hình dung chúng sẽ trở thành những con người như thế nào hay sao? Lẽ nào cứ vốc từng nắm hạt giống gieo bừa xuống đất, không cần biết nó sẽ mọc lên cây gì, đất đai thổ nhưỡng đã được sửa soạn thế nào, có phù hợp cho cây trái sinh sôi hay không?
Tôi nghĩ, lẽ ra “triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?” là câu hỏi gây sung sướng nhất cho một bộ trưởng trong phiên chất vấn, bởi nó không đòi hỏi ông phải nghiên cứu tài liệu, tổng hợp báo cáo, phân tích trách nhiệm gì cả. Thuần là một câu hỏi lý thuyết sơ đẳng. Nhưng ông vẫn không trả lời được. Thì có lẽ vấn đề “khái quát định hướng, mục tiêu/ dự phóng, bản chất của nền giáo dục” quả thực quá khó để quy gọn lại thành một câu cách ngôn như vị đại biểu yêu cầu.
Có thể nào nền giáo dục nước ta đã được định hướng quá tham vọng/ ôm đồm/ mâu thuẫn đến mức không khái quát được? Hay nó hướng đến một mục tiêu quá phi thực tế đến không thể nói một cách cụ thể?
Nhìn lại quá trình loay hoay qua nhiều nhiệm kỳ bộ trưởng giáo dục, hết cải cách lại đổi mới, hết tích lại phân, hết thi đến học… mà chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học vẫn không thấy khởi sắc, ngược lại ngày càng lộ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Cử nhân thất nghiệp/ thiếu kỹ năng thực hành, đạo đức giáo viên/ học sinh sa đọa, bạo hành học đường, tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên… E rằng sự lúng túng của ngành giáo dục là có cơ sở. Điều đó được chỉ ra trên diễn đàn Quốc hội hôm nay: sự thiếu vắng một triết lý giáo dục làm kim chỉ nam cho hành động giáo dục.
Trong khi chờ đợi một hội thảo như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội tại diễn đàn, dợm nghĩ, có một triết lý ngắn gọn từng hiện hữu trên nước ta ngày trước, để bộ trưởng tham khảo và suy ngẫm thử xem có đáng học tập hay không: hãy xây dựng một nền giáo dục NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG.
C.B.L