"Nóng" từ một cuộc họp báo

NHẬT PHONG 07/06/2018 09:40

(QNO) - Xử lý các dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư, chuyện dự án gây ô nhiễm môi trường bị đình chỉ hoạt động hay đang tính chuyển nhượng… là những vấn đề được đề cập nhiều nhất tại cuộc họp báo chiều 6.6 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì.

Quang cảnh cuộc họp báo chiều ngày 6.6.2018
Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: N.PHONG

Chất vấn

Cuộc họp báo bắt đầu từ 15h, ngoài Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn còn có ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì. Tất cả ghế phòng họp kín người.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang báo cáo vắn tắt vài nét về Quảng Nam trong tháng qua. Nổi bật nhất trong chỉ đạo điều hành của chính quyền Quảng Nam thể hiện qua nhiều cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sản xuất, kinh doanh; kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án không triển khai thực hiện đúng cam kết; xử lý xây dựng trái phép, lập lại trật tự xây dựng các dự án vùng đông; kiểm soát tốt các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ông Quang nói ngay trong tháng 6.2018, sẽ có nhiều cuộc ra quân kiểm tra việc khai thác khoáng sản, khai thác cát ven sông Thu Bồn. Sẽ xử lý hoàn tất nợ đọng xây dựng cơ bản, bảo đảm tiến độ giải ngân; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp… Kiểm soát chặt chẽ quản lý đất đai, hiện trạng, quy hoạch; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cơi nới, xây mới trong khu vực đã quy hoạch, nhất là vùng đông; xử lý, tháo gỡ những tồn tại, khó khăn về giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư thực hiện các dự án trọng điểm vùng đông, vùng tây. Kiện toàn sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế…

Phòng họp “nóng bất ngờ”. Nhà báo Đỗ Vinh - Đài VTV8 nói hiện Quảng Nam đi đâu cũng thấy các dự án khai thác quỹ đất san lấp mặt bằng, phân lô, bán nền, liệu có bao nhiêu dự án chưa cấp phép đã san lấp thi công? Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Land Nam Hội An có được cấp phép xây dựng và được cấp phép hoạt động chưa? Việc biến nông dân thành thị dân thì đã có giải pháp tạo sinh kế gì cho dân chưa?

Nhà báo Phan Thanh Hải - tờ Lao Động nêu một vấn đề khá hóc búa về số nợ hơn 3.000 tỷ đồng của Nhà máy Soda Chu Lai đã được giải quyết như thế nào? Quảng Nam được lợi gì khi thu hút một dự án đầu tư để lại quá nhiều hệ lụy về môi trường đến nỗi phải đóng cửa; và liệu một khi không thể tính toán hay xử lý số nợ ấy, nhà đầu tư có bán, chuyển nhượng dự án cho các nhà đầu tư Trung Quốc hay không? Quảng Nam có nhiều dự án khu đô thị manh mún, nhỏ lẻ, đầu tư không đồng bộ, thiếu khớp nối quy hoạch, liệu  đó có phải là cách các nhà đầu tư lách luật, giải tỏa mặt bằng mang tính “mềm nắn, rắn buông”, ép dân vào tình cảnh vô phương kháng cự phải chịu di dời hoặc nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt?

Liên tiếp nhiều câu hỏi được đặt ra. Một trong số đó là chuyện tai nạn giao thông vì thi công dang dở đường ĐT 609; chuyện kẹt xe ở phố cổ; việc bổ nhiệm cán bộ ở Đông Giang; vụ đánh bạc của nhân viên Hải quan Quảng Nam đã xử lý đến đâu; hậu phá rừng pơ mu dã xử lý trách nhiệm người đứng đầu thể hiện như thế nào? Hay việc di dời, xử lý nhà máy thép Việt Pháp (Điện Bàn) vốn tốn nhiều giấy mực của công luận diễn biến đến đâu?...

Khách quan, minh bạch thông tin

Không né tránh hay vòng vo, ông Nguyễn Hồng Quang nói hiện vụ phá rừng pơ mu vẫn đang xét xử. Đối với việc kiểm soát lâm sản, khoáng sản, chính quyền đã tổ chức truy quét 136 đợt, khởi tố 5 vụ án và 28 bị can. Ông Quang khẳng định rằng rừng bị tàn phá thì trách nhiệm thuộc về cả hệ thống chính trị địa phương, nhưng chưa tách bạch, rõ ràng nên còn tình trạng đổ lỗi cho nhau. UBND tỉnh đã chọn Nam Giang để thực hiện thí điểm đề án sắp xếp địa bàn kiểm lâm theo địa giới hành chính. Trách nhiệm thuộc về ai sẽ được rõ và cụ thể hơn trong đề án này.

Tình trạng kẹt xe ở Hội An rất đáng quan tâm. Hiện đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại đã thông, sẽ phân luồng và mở thêm nhiều điểm đậu, đỗ, vận hành xe điện trung chuyển khách tham quan khu vực phố cổ. Riêng vụ Nhà máy Soda Chu Lai, mọi chuyện đã báo cáo Chính phủ. Ông Quang cho biết quan điểm nhất quán của Quảng Nam là đồng hành với doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho họ tái cơ cấu trên cơ sở đánh giá, bảo đảm tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về việc môi trường. Nếu không đầu tư công nghệ xử lý môi trường thì buộc phải tiếp tục đóng cửa dự án. Ông Quang thừa nhận có tình trạng dự án đầu tư không đồng bộ. Doanh nghiệp vẫn chọn phương thức dễ làm, khó bỏ trong giải phóng mặt bằng và xây dựng, nên để lại hiện trạng như da beo. Thực tế, kể từ ngày 1.3.2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã không tiếp nhận bất cứ hồ sơ nào về các dự án khu đô thị, khu dân cư. Toàn bộ dự án trước đây đều đang được rà soát. Dự án nào bảo đảm quy trình sẽ tiếp tục thực hiện, không đúng sẽ buộc phải dừng để khớp nối quy hoạch chung. Chính quyền tỉnh không ưu ái bất cứ doanh nghiệp nào. Mọi thông tin quy hoạch, đầu tư, đấu giá hay mời thầu… đều công khai, minh bạch.

Ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói dự án Vinpearl rất lớn, sở đã cấp 5 giấy phép xây dựng theo từng loại công trình, theo từng giai đoạn. Các nhà đầu tư đều phải được kiểm tra năng lực tài chính và đảm bảo quy trình đầu tư đúng quy định mới được cấp phép xây dựng. Riêng một số dự án san lấp mặt bằng mà nhà báo Đỗ Vinh đề cập cũng đã được kiểm tra và cấp phép…

Chủ tọa cuộc họp báo, ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định chính quyền Quảng Nam không đánh đổi môi trường để lấy dự án đầu tư. Nếu doanh nghiệp gây ô nhiễm sẽ bị xử lý. Tất cả dự án có quy mô lớn đều phải báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xem xét. Quy trình rất chặt chẽ, minh bạch. Phải nói một điều rằng Quảng Nam lúc nào cũng sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận, nhưng phải hài hòa lợi ích chính đáng của người dân địa phương khu vực dự án. Việc san lấp mặt bằng của các dự án đang được kiểm soát chặt chẽ. Hiện các dự án khai thác quỹ đất, đô thị… đang được rà soát. Chính quyền sẵn sàng hợp tác với báo chí, minh bạch thông tin vì sự phát triển của Quảng Nam.

Cuộc họp báo kết thúc lúc 17h cùng ngày. Những câu trả lời của chính quyền, cơ quan quản lý chưa hẳn đã làm hài lòng tất cả nhà báo. Họ còn phải tìm kiếm thêm thông tin để tiếp tục đưa những vấn đề quan tâm ra công luận. Nhưng họ hy vọng theo như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói, có những chuyện sẽ được trả lời ngay, còn lại có thể trả lời văn bản.

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG