Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận lỗi về những yếu kém của ngành
(QNO) - Sáng nay 6.6, mở đầu phiên chất vấn liên quan đến ngành GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận lỗi về những thiếu sót trong việc quản lý ngành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn sáng 6.6. Ảnh: quochoi.vn |
“Bản thân ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Thời gian qua còn nhiều việc tồn tại, gây bức xúc cho nhân dân. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, chúng tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói trước Quốc hội.
Quy hoạch Làng đại học Đà Nẵng mang tầm khu vực
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt câu hỏi với Bộ trưởng về việc Bộ trưởng có nói nhiều trường đại học đạt chất lượng cao; tuy nhiên nhiều khoa, trường chất lượng kém hoặc thậm chí là có nhiều khoa không tuyển được sinh viên nào trong nhiều năm. Ông Sơn cũng hỏi về tiến độ Làng đại học Đà Nẵng đã kéo dài rất nhiều năm nhưng giờ vẫn dậm chân tại chỗ. “Khi nào thì bộ cho triển khai?” - đại biểu Sơn hỏi.
Về những câu hỏi trên, Bộ trưởng Nhạ nói rằng hiện cả nước có tổng cộng 235 trường đại học, trong số này đúng là nhiều trường có năng lực đào tạo kém dẫn đến việc rất khó tuyển sinh. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã cho rà soát 60 trường thì phát hiện 25 trường không tuyển sinh được, chất lượng đào tạo quá kém. “Những trường này không tuyển sinh được, yếu kém thì phải đóng cửa chứ không tiếp tục duy trì nữa” - Bộ trưởng nói.
Về tiến độ của Làng đại học Đà Nẵng, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận dự án này đã có quy hoạch từ lâu nhưng tới nay vẫn không triển khai được. Lý do là sự chủ động về phía cả Bộ GD-ĐT lẫn nhà trường chưa cao, chưa tham mưu được cho Chính phủ những lộ trình liên quan. Mới đây, Chính phủ đã có chỉ đạo là phải ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ Làng đại học này.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đang đề nghị 2 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng phối hợp giải phóng mặt bằng. “Chúng tôi yêu cầu làm việc quy hoạch không phải là đại học vùng nữa mà là khu vực, tầm nhìn phải rộng ra như thế” - người đứng đầu ngành GD-ĐT cho hay.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng): “Khi nào thì dự án Làng đại học Đà Nẵng hết treo?”. Ảnh: KỲ DUYÊN |
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi về việc các trường đạt chuẩn nhan nhản, tình trạng học lệch để chủ yếu là phục vụ thi tốt nghiệp, khi không đủ điều kiện thì học sinh lại đi “nộp” tiền cho thầy cô.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nhạ nói rằng tình trạng mà đại biểu nêu là có thật. “Nhất là trường chuyên, bố mẹ chỉ tập trung cho con học các môn chính để làm sao cho đỗ đạt. Chúng tôi không đồng ý điều này bởi giáo dục phổ thông là giáo dục làm người. Bộ kiên quyết phản đối và sẽ siết lại để làm sao các cháu học toàn diện chứ không phải học để thi” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Bộ trưởng nói rằng, đúng là những vấn đề đạo đức trong nhà giáo để có những câu chuyện như đại biểu Cương là không thể chấp nhận. Bộ trưởng đề nghị phụ huynh lẫn nhà trường phối hợp ngăn chặn.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) hỏi về lộ trình đại học tự chủ, Bộ trưởng nói rằng hiện bộ đã cho phép 23 trường đại học đứng ra tự chủ. Bộ cũng đang tính tới cơ chế là tất cả các trường công lập phải tự chủ cao hơn, được quyền ra quyết định liên quan đến trường mình. Bộ đã chọn ra 3 trường trong số các trường công lập này để tạo đột phá.
Nhiều thầy cô đang làm xấu hình ảnh truyền thống ngành
Bao giờ mới đi hết con đường “quá độ” cải cách? Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) hỏi người đứng đầu ngành GD-ĐT: “Trong đổi mới giáo dục, chúng ta phải mất bao lâu để đi hết con đường quá độ này? Hiện nay chúng ta đã đi đến đâu của con đường quá độ đổi mới?”. Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng khẳng định giáo dục đụng chạm đến toàn xã hội, mọi gia đình nên đổi mới phải có lộ trình lâu dài. “Ngay thi cử cũng vậy, từ việc tổ chức hai kỳ thi trong năm chúng ta tổ chức lại một kỳ thi, rồi chỉnh sửa dần cho phù hợp. Chúng tôi cũng nghiên cứu cùng với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa… chứ không thể đổi mới ngay được” - ông Nhạ nói. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng bày tỏ rất mong cử tri, nhân dân, các vị đại biểu chia sẻ với những khó khăn của ngành. “Chúng tôi tin rằng trong từng mốc thời gian sẽ có kết quả. Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi tin rằng việc đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phải đạt kết quả. Về đại học thì đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”- ông Nhạ nói thêm. |
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đặt vấn đề rằng Bộ trưởng Nhạ có nêu trước Quốc hội là tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ trên người học hiện nay khá cao. “Tuy nhiên có nhiều tiến sĩ được ghi danh thỉnh giảng nhưng thực chất là không dạy, rồi một giảng viên hướng dẫn quá nhiều học viên làm học hàm, Bộ trưởng có cách gì để giải quyết không?” - đại biểu Bộ hỏi.
Trong khi đó đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) nêu việc có những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo như vụ giáo viên 3 tháng không giảng bài, bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng... Những vấn nạn này Bộ trưởng có giải pháp gì?
Đại biểu Phạm Đình Phúc (Vũng Tàu) cho rằng Bộ trưởng hứa sẽ “đột phá, siết chặt” để hạn chế tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, vậy Bộ trưởng sẽ làm như thế nào? Hiện chất lượng đầu vào đại học quá thấp, có ngành học mà môn thi 3 điểm vẫn vào được.
Về những câu hỏi liên quan đến đạo đức nhà giáo, Bộ trưởng Nhạ nói bên cạnh những nỗ lực của tập thể nhà giáo thì vẫn còn những giáo viên làm ảnh hưởng tới ngành giáo dục, làm xấu truyền thống tôn sư trọng đạo, nhiều thầy cô kém phẩm chất, kém năng lực. “Con số mà báo chí đưa lên thì chưa là gì, thực tế chắc chắn còn rất nhiều” - Bộ trưởng Nhạ nói.
Theo Bộ trưởng Nhạ, đây là một cảnh tỉnh đối với ngành, đối với nhà trường, như vụ việc cô giáo gần cả một học kỳ không nói gì (không giảng bài). Một phần nguyên nhân là do hiệu trưởng, hội đồng sư phạm nhà trường thiếu sâu sát, ngoài ra thì giáo viên hiện cũng chịu áp lực rất lớn. Bộ sẽ kiên quyết loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”. Bộ sẽ chú trọng hơn nữa để giải pháp giáo dục đạo đức, đưa chương trình này vào dạy trong trường phổ thông. Bên cạnh đó bộ sẽ tập trung đào tạo đạo đức cho đội ngũ đầu vào sư phạm, kết hợp tăng cường chế độ chính sách để nâng cao đời sống cho giáo viên. “Bộ xin nhận trách nhiệm về những vấn đề này và chắc chắn sẽ có chấn chỉnh” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với vai trò là người chủ trì chương trình chất vấn nói rằng đã có những câu chuyện về đạo đức gây bức xúc dư luận. Nhưng theo Chủ tịch Quốc hội thì các đại biểu cũng không nên nhìn vào những vụ việc này để đánh đồng cho ngành giáo dục. Phần lớn nhà giáo ở khắp mọi miền đang nỗ lực, cố gắng hy sinh để cống hiến cho ngành. “Chỗ các đại biểu nêu như thế, tôi nghĩ rằng muốn Bộ trưởng trả lời về các giải pháp trong thời gian tới” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
KỲ DUYÊN