Tai nạn giao thông đường sắt: Hiểm họa từ ý thức
Nguyên nhân những vụ tai nạn đường sắt xảy ra liên tục trong thời gian qua cho thấy, phần lớn xuất phát từ ý thức người tham gia giao thông cũng như hành lang an toàn giao thông bị xâm phạm nghiêm trọng…
Tin liên quan
|
Hiện trường vụ 2 tàu hàng đâm nhau tại khu vực ga Núi Thành. Ảnh: C.T |
Tự mở lối đi
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Trương Khuê cho biết, đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn Quảng Nam có 61 đường bộ hợp pháp băng ngang. Trong đó, 26 đường ngang phòng vệ người gác (2 có dàn chắn động cơ điện, 1 có cần chắn động cơ điện). Còn lại, 35 đường ngang không có người gác thì được phòng vệ bằng biển báo (16 đường) và phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động (19 đường phòng vệ bằng cần chắn tự động). “Thế nhưng nơi giao nhau giữa đường sắt và đường ngang có người gác, đặc biệt đường ngang phòng vệ bằng biển báo không vì thế mà đảm bảo ATGT tuyệt đối” - ông Trương Khuê cảnh báo.
Qua khảo sát của lực lượng liên ngành, 19 vị trí đường ngang hiện bị vi phạm tầm nhìn của người điều khiển phương tiện trên đường sắt. Ngược lại, vi phạm tầm nhìn của người điều khiển phương tiện trên đường bộ xuất hiện tại 25/26 đường ngang. Ngoài ra, 23 đường ngang người gác chưa có vạch dừng và tương tự 24 đường ngang chưa có gờ giảm tốc. Với 35 đường ngang không có người gác, 27 vị trí thiếu vạch dừng, 20 điểm “nói không” gờ giảm tốc.
Cạnh đó, nhiều biển báo trên đường bộ cũ, mờ hoặc sai với quy chuẩn; bề mặt đường bộ trong và ngoài đường ngang bị hư hỏng. Do vậy, 16 đường ngang phòng vệ bằng biển báo tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn không khác gì lối đi tự mở.
Mất ATGT nơi giao nhau với đường sắt nhất chính là 76 lối đi tự mở (đường ngang bất hợp pháp). Để khắc phục thực trạng này, Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã tiến hành cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại các đường dân sinh này để cảnh báo cho nhân dân. Nhưng với ý thức coi thường các quy tắc lưu thông, một bộ phận người dân đánh cược tính mạng bằng việc không quan sát khi băng qua đường sắt. Trên địa bàn xã Tam Nghĩa (Núi Thành), có đoạn mỗi nhà dân tự mở lối đi riêng cho gia đình mình.
Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Sơn chia sẻ thêm, những lối đi tự mở tại các lý trình đường sắt gồm: km824+545 (xã Duy Sơn, Duy Xuyên); km886+820, km888+250, km888+820, km888+820 (thị trấn Núi Thành, Núi Thành), hay km891+485, km893+710, km897+540 (xã Tam Nghĩa, Núi Thành)… thường xuyên có ô tô qua lại. Đơn vị nhiều lần phối hợp cùng chính quyền địa phương rào chắn thu hẹp, song sau đó đều bị người dân tháo dỡ để xe di chuyển. Nếu sự cố xảy ra, thiệt hại về tính mạng là điều khó tránh khỏi, đe dọa nghiêm trọng sự an toàn của hàng trăm hành khách trên tàu.
Hiểm họa từ ý thức
Người dân mở lối đi băng qua đường sắt, để cây cối che chắn tầm nhìn, lấn chiếm hành lang ATGT trên tuyến… đã, đang xảy ra tràn lan nhưng khâu chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với UBND tỉnh ban hành từ lâu đã quy định trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng; nhưng cấp huyện, xã vẫn thụ động, chờ sự chỉ đạo, tháo gỡ từ các ban, ngành chức năng.
Theo ông Nguyễn Nam Thắng - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng, nhiều nơi không sâu sát trong chỉ đạo cho các đơn vị quản lý đường bộ dẫn vào đường ngang kẻ vạch dừng và gờ giảm tốc, bổ sung hệ thống biển báo hiệu đường bộ tại lối đi tự mở theo quy định. Lộ trình xây dựng đường gom nhằm xóa dần lối đi tự mở thì bị bỏ ngỏ.
Tại xã Tam Nghĩa (Núi Thành), việc đóng đường ngang chuyên dùng cấp 3, có người gác tại lý trình km895+350, qua thôn Đông Yên phải tạm hoãn nhiều lần, mặc dù Cục Đường sắt Việt Nam, UBND tỉnh đã ra hạn lệnh. Lý do là bởi người dân phản đối, thậm chí gây áp lực bằng cách dọa sẽ cho con em nghỉ học. Trong lúc cách đó chưa đầy một cây số, lý trình km894+800 là đường ngang hợp pháp, có người chốt gác mà họ không đi vì cho rằng vòng xa.
Ý thức chấp hành các quy tắc ATGT đường sắt của người tham gia giao thông kém đang là hiểm họa trực tiếp gây tai nạn nghiêm trọng.
Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - ông Hồng Quốc Cường từng lên tiếng yêu cầu các lái tàu phải tăng cường kéo còi cảnh báo. Người điều khiển không được chủ quan với nhận thức đường sắt được quyền ưu tiên nên cứ thế phóng tới. Người dân thì đề nghị đơn vị có trách nhiệm phải tăng cường kiểm tra thiết bị trên các tuyến đường sắt (Xí nghiệp Thông tin tín hiệu Quảng Nam Đà Nẵng - PV), đặc biệt lưu ý hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động tại đường ngang, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động tốt, chứ đừng nghĩ rằng có máy móc là yên tâm.
Vụ việc hai tàu hàng số hiệu ASY2 và 2469 đâm nhau trong ga Núi Thành vào chiều 26.5 vừa qua là điển hình. Trên cơ sở tài liệu thu thập và các chứng cứ liên quan tại hiện trường, báo cáo giải trình bằng văn bản của các tập thể, cá nhân liên quan, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xác định nguyên nhân vụ tai nạn là các chức danh làm công tác chạy tàu không thực hiện đúng quy trình tác nghiệp. Vụ tai nạn xảy ra ban ngày, giữa hai tàu hàng nên may mắn không gây thiệt hại về người, nhưng ảnh hưởng lớn về vật chất, nhất là uy tín của ngành đường sắt sẽ bị giảm sút.
CÔNG TÚ