Cảnh báo từ các khe suối, hồ đập

BẢO ANH 04/06/2018 10:19

Khi thời tiết bắt đầu nóng lên, không chỉ các bãi biển trở nên đông đúc hơn mà cả những hồ đập, khe suối nằm sâu trong vùng đồi núi được nhiều người tìm đến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cũng như ô nhiễm môi trường.

Câu cá trên hồ Phú Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Câu cá trên hồ Phú Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Vào những ngày nắng nóng, không khí oi bức - nhất là vào các ngày nghỉ cuối tuần, ở khắp các hồ, đập lớn nhỏ trong tỉnh, từ sáng sớm đến tối mịt hầu như lúc nào cũng có người đến vãn cảnh, nghỉ ngơi và tổ chức các hoạt động vui chơi. Anh Nguyễn Như Lê, quê ở xã Bình Triều (Thăng Bình), cho biết từ nhà anh đi chơi biển Bình Minh rất gần, nhưng đi mãi cũng nhàm nên anh quyết định đưa cả gia đình vào hố Giang Thơm ở Tam Mỹ (Núi Thành) để chơi. Anh Lê nói thêm: “Khung cảnh ở đây mát mẻ, đẹp và trong lành nên cả nhà cùng đi để thay đổi không khí cũng như có nhiều trải nghiệm mới”. Tương tự, những người đi “chơi mát” ở các khe suối, hồ chứa nước như Phú Ninh, Cao Ngạn, Khe Tân, Nước Mát, Vĩnh Trinh, Thái Xuân, Đông Tiển, Hố Giang, Phước Hà, Khe Cái, Lò Thung... cũng cho biết họ quyết định chọn những nơi này để đi là vì muốn có thêm trải nghiệm mới. Ngoài ra, theo các bạn trong một nhóm phượt trẻ ở Tam Kỳ, họ đã từng đặt chân đến gần 30 khe suối, hồ đập ở Quảng Nam và sẽ tiếp tục khám phá những địa chỉ khác trong mùa hè này chỉ vì nơi nào cũng có cái đẹp riêng và càng đi càng thấy hấp dẫn, cuốn hút.

Hiện nay, trừ hồ Phú Ninh (Phú Ninh), khu vực thủy điện Duy Sơn (Duy Xuyên) và suối Nước Mát (Quế Sơn), hầu hết trong số hơn 70 hồ đập lớn nhỏ và hàng chục khe suối trên địa bàn tỉnh đều chưa được đầu tư, khai thác, kinh doanh dịch vụ du lịch. Do vậy, khi đến tham quan, vui chơi ở những nơi này, mọi thứ đều hết sức “tự do” và hoàn toàn miễn phí. Chính vì sự “tự do” này, số lượng “tour tự phát” đến với hệ thống các hồ đập, khe suối trên địa bàn tỉnh ngày một tăng lên, kéo theo đó là những hệ lụy. Trong đó, dễ thấy nhất là tình trạng xâm phạm, làm biến dạng cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường. Ở hầu hết địa chỉ sinh thái kể trên, tình trạng du khách tự ý chặt cây, bẻ cành để che nắng hoặc trải xuống đất để nằm nghỉ diễn ra khá phổ biến; đồng thời loài thủy sinh đặc trưng như cá suối, ốc đá ở nhiều con suối, dòng khe đã gần như cạn kiệt. Và nghiêm trọng nhất là tình trạng xả rác bừa bãi. Do không có sẵn các dịch vụ ăn uống, giải khát nên khi tìm về các hồ đập, suối khe, hầu hết du khách tự mang theo đồ ăn, thức uống. Sau mỗi cuộc vui, toàn bộ rác thải, từ túi ny lon, giấy ăn, chai lọ đến thức ăn thừa đều được bỏ lại tại chỗ hoặc được vứt xuống nước. Đó là chưa kể khi đi chơi, nhiều người mang theo thức ăn mới qua sơ chế, đến nơi mới tìm củi để nấu nướng, chế biến, vừa tạo ra rác thải vừa gây nguy cơ cháy rừng. Điều đáng chê trách là, tại một số nơi chính quyền địa phương đã cho đặt thùng lấy rác, nhưng nhiều người vẫn thiếu ý thức vứt rác bừa bãi.

Ngoài việc xâm hại, gây ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu an toàn các các hồ đập, khe suối cũng là điều đáng quan tâm. Tại một số khe suối như Suối Tiên (Quế Sơn), Hố Giang Thơm (Núi Thành), Khe Lim (Đại Lộc)... hầu như năm nào cũng có người bị thương tích do trượt ngã khi leo trèo lên các gờ đá. Hay như hồi đầu tháng 5 vừa rồi, tại khu vực suối Lò Thung (Tiên Phước) xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 2 người chết. Riêng ở một số hồ chứa, nguy cơ tai nạn cũng tiềm ẩn khi một số hộ dân trong khu vực dùng xuồng ghe đưa khách du ngoạn trong lòng hồ nhưng lại thiếu các kỹ năng và phương tiện cứu hộ cần thiết...

BẢO ANH

BẢO ANH