Mùa hè của bé ở đâu?
Tìm kiếm sân chơi cho thiếu nhi mỗi lúc hè về trở thành câu chuyện quen thuộc của nhiều phụ huynh. Từ đô thị đến nông thôn, những sân chơi cho trẻ chưa bao giờ là đủ.
Trẻ em chơi trò bắn bi trong ngày hè. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
KỲ HỌC THỨ BA
Chưa kịp khởi động kỳ nghỉ hè, hàng loạt lớp học hè, lớp năng khiếu cũng như hội thi nghệ thuật, thể thao ở cấp thành phố, cấp tỉnh mở ra. Và trẻ em bắt đầu mùa hè của mình bằng “kỳ học thứ ba”.
Tìm lớp học hè
Bé L.T.Quân, mùa hè này bắt đầu bước vào lớp 1. Vậy là cả gia đình cùng đổ xô… đi tìm lớp học chữ. “Một số bạn trong lớp ngay học kỳ 2 của lớp lớn ở trường mầm non đã chuyển ra ngoài để học chữ. Nhiều bé trong lớp cũng đã biết đọc. Trong khi gia đình tôi không cho bé học chữ ở lớp mầm non nên bắt đầu hè này phải tìm chỗ để gửi cho bé làm quen với chữ cái” - chị P.X.H., mẹ của bé, chia sẻ. Và chị H. không phải là trường hợp hiếm. Rất nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đều mang nặng tâm lý phải tìm chỗ gửi con “học chữ”. Nắm bắt tình trạng này, rất nhiều các trung tâm Anh ngữ tại TP.Tam Kỳ kiêm luôn việc dạy chữ, tổ chức lớp bán trú cho lứa tuổi học sinh tiểu học. Quản lý một trung tâm Anh ngữ tại Tam Kỳ chia sẻ, rất nhiều bậc phụ huynh vì lý do công việc không thể sắp xếp ở nhà cùng con suốt các tháng hè, hoặc tổ chức cho trẻ vui chơi, nên chọn giải pháp gửi trẻ vào các trung tâm, vừa an tâm vừa đảm bảo việc bổ trợ kiến thức cho trẻ.
Thiếu nhi học hè trên đảo Cù Lao Chàm. |
Và các trung tâm ngoại ngữ kiêm bổ trợ kiến thức như vậy cũng chỉ là một trong số các lựa chọn của phụ huynh. Giống như trẻ ở khu vực nông thôn, trẻ ở đô thị còn có thêm địa điểm để có thể “ở” trong mấy tháng hè, chính là nhà của các cô giáo. Cô giáo N.T.T.V., giáo viên Trường Tiểu học Quế Trung (Nông Sơn), cho biết, nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con theo kiểu bán trú tại nhà cô giáo, vì các em đều còn nhỏ, không thể tự chăm sóc bản thân nếu ở nhà một mình, nên việc kiêm luôn cho các cháu bữa trưa được phụ huynh “nhờ” luôn cô giáo. Dẫu rất nhiều phụ huynh ý thức được việc phải cho trẻ vui chơi khi vào hè, nhưng công việc luôn là lý do để bắt trẻ phải “học thêm”.
Và mùa hè, không dưng cũng trở thành học kỳ thứ ba, căng thẳng không kém 2 học kỳ chính. “Gọi là 3 tháng hè nhưng hầu như các em chỉ được nghỉ khoảng hai tuần, sau đó lại lo chuẩn bị học hè, học thêm, nhiều em học đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi. Và tất nhiên với những em này, việc tham gia sinh hoạt hè là điều không thể. Lịch sinh hoạt hè của phường, của xã trùng với lịch học thêm của con, nên nhiều khi cũng muốn cho con đi xem sinh hoạt hè có gì hấp dẫn hay không cũng không thể đi được” - chị Mộng Thu, phụ huynh của một học sinh bậc trung học cơ sở cho biết. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng Giáo dục TP.Tam Kỳ cho biết, mùa hè là quãng thời gian các em học sinh không nằm trong phạm vi quản lý của ngành giáo dục. “Phòng giáo dục giao học sinh về cho địa phương, cụ thể là các xã phường làm công tác quản lý và tạo sân chơi cho các em. Đối với thiếu nhi ở Tam Kỳ, Nhà Văn hóa thiếu nhi là một lựa chọn được đa số cha mẹ và các em tìm tới” - ông Trần Ngọc Sơn nói.
“Nở rộ” lớp năng khiếu
Lựa chọn “kỳ học thứ ba” bằng các lớp năng khiếu ở những lĩnh vực nghệ thuật, thể thao cũng là ưu tiên của các bậc phụ huynh dành cho mùa hè của trẻ. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi Tam Kỳ cho biết, tới thời điểm này, số lượng các lớp năng khiếu đã lên đến 25 lớp với các bộ môn từ bơi lội, hội họa, võ thuật, khiêu vũ… “Nhà Văn hóa thiếu nhi dạy các môn năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, với số lượng hiện tại có hơn 350 em theo học và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh bắt đầu từ ngày 1.6. Năm ngoái ở thời điểm đầu tháng 6, số lượng học viên đã lên đến 700 em” - ông Nguyễn Ngọc Dũng nói. Gần như một mặc định, mùa hè thì các lớp năng khiếu mới bắt đầu “đông”.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng nói thêm, không chỉ với các em thiếu nhi sinh sống trên địa bàn Tam Kỳ, có rất nhiều các em hộ khẩu nơi khác cũng tìm đến đây để theo học và chơi các môn năng khiếu. Cũng không ngoại lệ khi bắt đầu từ tháng 6 trở đi, những sân chơi mang tính chuyên nghiệp cho trẻ em từ cấp thành phố, cấp tỉnh mới bắt đầu khởi động. Hội thi “Tìm kiếm tài năng nghệ thuật thiếu nhi” cũng được xem như một sân chơi chuyên nghiệp dành cho các em ở độ tuổi từ 6 đến 15 ở khu vực các địa bàn từ Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh, Quế Sơn, Hiệp Đức do Nhà Văn hóa thiếu nhi Tam Kỳ tổ chức. Thí sinh thể hiện tài năng ở các thể loại đàn, hát, múa, nhảy, dẫn chương trình, vẽ tranh, võ thuật… Ông Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, đây là lần thứ hai trong 2 năm liên tiếp, hội thi do đơn vị tổ chức thu hút số lượng các em tham gia khá đông. Cùng với sân chơi nghệ thuật này, Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi toàn tỉnh sắp tới đây hứa hẹn trở thành một hoạt động giải trí thu hút các em thiếu nhi.
Tuy nhiên, với không gian có hạn cũng như tiềm lực về kinh tế, các lớp năng khiếu hè vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của các em ở lứa tuổi này. Khá nhiều môn học tại Nhà Văn hóa thiếu nhi Tam Kỳ phải mời thầy hoặc người hướng dẫn ở Huế, Đà Nẵng vào giảng dạy. Hiện nay, các trung tâm, đội, nhóm năng khiếu do cá nhân mở ra cũng trở thành địa điểm “chia sẻ” nhu cầu học năng khiếu của thiếu nhi tại Tam Kỳ. Tuy nhiên, việc quản lý các trung tâm, đội, nhóm tự phát này vẫn còn là băn khoăn đối với nhiều bậc phụ huynh.
Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, nỗ lực tạo ra khoảng không gian rộng lớn trong cả tâm hồn và trí tưởng tượng của trẻ không phải là cách cầm tay dắt đi hay nâng niu từng bước chân nhỏ. “Các em cần gì, mong muốn gì ở người lớn ngày hôm nay, cũng giống như chúng ta đã từng mơ ước điều gì khi còn nhỏ. Tạo ra cho các em một môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh là thể hiện sự quan tâm thật sâu sắc đến cả một cộng đồng, một tập thể trẻ thơ” - ông Thùy nói.
NHỮNG SÂN CHƠI... ĐỊNH KỲ
Mỗi mùa hè, lại có những kế hoạch hè được ban hành, ngõ hầu giải quyết phần nào nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em.
Lớp truyền vai hát bội - một hoạt động dành cho thiếu nhi tại Hội An. |
Như mọi năm, kế hoạch tổ chức các hoạt động hè dành cho thanh thiếu nhi năm nay của thị xã Điện Bàn có hàng chục nội dung cụ thể từ cấp thị xã đến cơ sở như: Hành trình trải nghiệm “Cùng ngư dân bám biển”; Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Bác Hồ”; Chiến dịch: “Thanh niên học sinh - sinh viên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng văn minh đô thị”; Phổ cập bơi, phòng chống đuối nước... Ngoài ra, ban chỉ đạo hoạt động hè các địa phương tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tháng phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em”... nhằm vận động các nguồn lực tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh cho các em; giáo dục thanh, thiếu nhi về an toàn giao thông, tránh nguy cơ đuối nước và tai nạn... Nhiều hoạt động ngoại khóa cũng được tổ chức dịp hè như: dã ngoại, tham quan di tích, thắng cảnh; các giải đấu thể thao; các lớp dạy năng khiếu… nhằm giúp các em giao lưu, tìm hiểu, học tập nâng cao kiến thức và kỹ năng sống.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm VHTT Điện Bàn, một hoạt động được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm chờ đợi nhất trong hè là chương trình phổ cập bơi phòng chống đuối nước do thị xã tổ chức miễn phí cho học sinh khối tiểu học và trung học cơ sở. Năm nay, dự kiến khoảng 1.500 học sinh các khối từ lớp 3 đến lớp 8 được tổ chức học tại 3 hồ bơi gồm hồ bơi Trung tâm VHTT; hồ bơi trường Lê Đình Dương (khu vực Gò Nổi) và hồ bơi trường Nguyễn Khuyến (Điện Thắng Bắc), thời gian kéo dài 3 tháng. “Đây là hoạt động đã diễn ra 3 năm và chúng tôi luôn cố gắng duy trì để trở thành một sân chơi ý nghĩa của trẻ em trong dịp hè hàng năm” - ông Dũng nói.
Tại TP.Hội An, nhiều hoạt động hè mang tính xã hội, hướng về môi trường, cộng đồng được tổ chức cho trẻ em, học sinh như mở rộng, bổ sung các điểm đọc sách báo ở thư viện và các địa phương; tăng cường các lớp dạy về dân ca, bài chòi trong phố cổ; hướng dẫn các kỹ năng sống và tự bảo vệ bản thân cho trẻ em... Thư viện Thanh Hóa - Hội An ngoài bổ sung sách mới phục vụ cho các em, còn kết hợp với Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sinh tồn Việt (của Hội Khoa học - tâm lý giáo dục Việt Nam) tổ chức chương trình “Kỹ năng an toàn cho trẻ em”. Bà Trương Thị Tú Anh - Trưởng Thư viện Thanh Hóa - Hội An cho biết, ý tưởng này xuất phát từ tình trạng ngày còn có nhiều vụ xâm hại xảy ra mà trẻ em không hề biết để phòng chống. Do đó, việc tạo sân chơi này nhằm hướng dẫn cho các em những kỹ năng an toàn cho cơ thể, phòng chống xâm hại tình dục và tự bảo vệ mình.
Hè vui khỏe, an toàn là điều mong muốn không chỉ của trẻ em mà còn là mục tiêu của các bậc cha mẹ và xã hội. Tuy vậy, việc thiếu những sân chơi bổ ích, phù hợp nhằm hướng các em vào các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh, an toàn đã trở thành nỗi lo của rất nhiều người. Thực tế, để tìm được một không gian cho trẻ vui chơi an toàn, lành mạnh không phải dễ, kể cả thành thị và vùng quê. Thống kê cho thấy, tỷ lệ xã, phường, thị trấn có các khu vui chơi giải trí cho trẻ em đạt chuẩn rất ít, thậm chí nhiều nơi trống vắng.
ĐỐI MẶT VỚI THIẾU THỐN
Quỹ đất đô thị ngày càng thu hẹp đối với không gian công cộng - dành cho cả người lớn lẫn thiếu nhi…
Hoạt động thể thao cuốn hút các em thiếu nhi vào mỗi dịp hè. |
Theo các bác sĩ và chuyên gia tâm lý, thiếu sân chơi, thiếu thời gian chơi ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất và tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tạo sân chơi cho trẻ em đang đối mặt với những thách thức lớn. Tốc độ đô thị hóa trở thành mối “hiểm họa” nuốt chửng các không gian công cộng cho trẻ em. Bà Lê Diệu Ánh - chuyên gia về phát triển đô thị bền vững cho rằng, với tốc độ đô thị hóa này, sân chơi trẻ em đã trở thành một câu hỏi khó tìm thấy câu trả lời. “Những thành phố ngột ngạt chúng ta đang xây lên là để làm gì và cho ai? Đó là câu hỏi chắc chắn mang tới hoài niệm và băn khoăn cho không ít người. Ngày nay chúng ta thường xuyên phải sống trong những xã hội không chấp nhận rủi ro. Điều này không chỉ tước mất đầu óc phiêu lưu ở trẻ nhỏ, mà còn cả sự ngây thơ quý giá ở người lớn. Những trò nghịch ngợm trẻ nít giờ bị coi nhẹ trong nền văn hóa thị dân tiêu thụ, quảng cáo và văn phòng” - bà Lê Diệu Ánh nói.
Được chơi không chỉ là để phát triển, học hỏi, hay vì sức khỏe, mà còn là biểu hiện của tự do và thử thách giới hạn bản thân. Tại nhiều đô thị, sân chơi trẻ em đã trở thành một không gian xa xỉ. Nếu không phải làm để “xí đất”, thì sản phẩm làm ra dành để “thu tiền”. Vấn đề thiếu sân chơi cho thiếu nhi đã được cảnh báo từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa khắc phục được.
Việc thiếu sân chơi lành mạnh trong dịp hè đã dẫn đến nhiều tác hại không tốt cho nhiều trẻ em. Thiếu nhi ở vùng nông thôn dù có không gian rộng hơn nhưng lại thiếu sự định hướng, chỉ bảo của người lớn trong việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí dẫn đến xu hướng tụ tập tự phát, tham gia những trò chơi không an toàn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như đi tắm tại các ao hồ, đá bóng, chơi đùa trên đường. Một số em do bạn bè lôi kéo, rủ rê sa vào các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, không ít em ở cả thành thị lẫn nông thôn dành những ngày hè để dán mắt vào tivi, máy tính, điện thoại với các trò chơi, phim ảnh online độc hại, bạo lực trên mạng... Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm cả nước có hơn 7.300 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, khoảng 200.000 trẻ mắc bệnh tự kỷ. Một phần nguyên nhân của thực trạng này là các em thiếu sân chơi an toàn, lành mạnh.
Và trẻ em hiện tại, dù có cả 3 tháng mùa hè, vẫn luôn phải đối diện với những… thiếu thốn!
DÀNH CHO TRẺ NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP
Thiết lập các sân chơi cho trẻ cũng như để mùa hè lưu lại nhiều kỷ niệm cho các em, thì người lớn nên làm gì? Chúng tôi ghi nhận ý kiến từ nhiều cấp ngành.
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Các thiết chế đều bắt buộc dành sân chơi cho trẻ
Theo tiêu chí nông thôn mới, các thiết chế văn hóa đều có quy định bắt buộc về khu vui chơi giải trí, trong đó có khu dành cho trẻ em. Nhưng những quy định này cũng chỉ định tính chứ không định lượng. Sở VH-TT&DL khuyến khích các địa phương xây dựng khu vui chơi trẻ em tùy vào điều kiện như mật độ dân số, quỹ đất đai… Các địa phương có thể tổ chức sân chơi cho thiếu nhi lồng ghép vào khu thiết chế thể thao chứ không bắt buộc làm độc lập. Sân chơi cho trẻ em không đơn thuần chỉ là chỗ trẻ em đến vui chơi giải trí nên chỉ cần đặt mấy chiếc xe đạp hay các thiết bị vui chơi để trẻ em nô đùa… Sân chơi đúng nghĩa còn phải có thêm nhiều hoạt động khác như điểm thư viện, tủ đọc sách, sân chơi thể thao, hồ bơi… - mà theo quy định thì thiết chế văn hóa xã, phường đều phải có. Nên nếu thực hiện đúng theo quy định thì các thiết chế văn hóa, thể thao cũng đã giải quyết một phần về nhu cầu vui chơi của trẻ em rồi.
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn: Tăng cường đầu tư sân chơi cho trẻ em
Thị xã đã ban hành kế hoạch hoạt động hè, chủ yếu tạo sân chơi và các hoạt động cho trẻ em. Năm nay, ngoài tiếp tục duy trì chương trình phổ cập bơi trong hè để phòng chống đuối nước, thị xã cũng tổ chức Lễ hội văn hóa thể thao biển gắn với hoạt động hè dành cho trẻ em. Trong đó, các em sẽ tham gia những hoạt động vui chơi và thi vẽ tranh chủ đề biển đảo… Về lâu dài, thị xã lắp đặt các điểm luyện tập thể thao ngoài trời; định hướng quy hoạch một số khu để làm công viên… Năm nay tỉnh đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng cho Điện Bàn xây một khu thiết chế vui chơi, ngoài ra thị xã cũng đã thống nhất đầu tư xây dưng thêm 4 khu vui chơi ngoài trời tại Vĩnh Điện, Điện An, Điện Ngọc, Điện Thọ. Hiện các đơn vị khảo sát vị trí, lắp đặt các thiết bị thể thao ngoài trời như máy tập chạy, xà đơn, xà kép, lắc tay… để sớm tạo thêm sân chơi cho trẻ em.
Bà Lưu Minh Hường – Chuyên gia giáo dục, Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người: Cha mẹ nên cùng chơi với trẻ
Trẻ em bây giờ rất ít sân chơi để chơi, nếu có sân chơi chung thì được dùng cho rất nhiều hoạt động khác. Rồi các vấn đề về tệ nạn, an toàn xã hội… luôn đặt ra những nỗi lo cho trẻ em. Chưa kể, bây giờ phụ huynh cũng ít giao tiếp hơn nên trẻ em cũng ít có cơ hội giao lưu. Ngày hè không chỉ là thời gian để trẻ em nghỉ ngơi vui chơi mà còn là thời gian ý nghĩa để các em tham gia các hoạt động không có điều kiện tổ chức trong năm học cũng như rèn luyện các kỹ năng sống mà nhà trường không dạy. Có quá nhiều thứ để trẻ em tham gia dịp hè như các hoạt động thể dục thể thao; các em có thể thực hiện các sở thích như học nấu ăn; hội họa âm nhạc… Phụ huynh cũng có thể cho các em làm việc nhà; về quê, trải nghiệm nông thôn… Đối với trẻ em, việc đầu tiên là phải vận động nhiều. Với những phụ huynh không có thời gian, có thể lên kế hoạch cùng với con từ làm việc nhà đến hướng cho con đọc sách, hoặc giúp các em trau dồi kỹ năng nghiên cứu về một chủ đề nào đó. Tuy nhiên, một nguyên tắc để trẻ em vui vẻ là hãy tôn trọng sự lựa chọn của các em và hãy cùng lên kế hoạch với trẻ để trẻ thấy cha mẹ thật sự quan tâm đến những sở thích của trẻ.
Chị Trần Thị Huyền Trân – Giáo viên Trường Mầm non Hương Sen (TP. Tam Kỳ): Để trẻ mạnh dạn tham gia hoạt động xã hội
Nhiều bậc cha mẹ cứ thích giữ khư khư con cái và lo sợ đủ thứ khi cho con tham gia các trò chơi dân gian, nên cứ đến hè là đôn đáo tìm chỗ “nhét” cho con học để “tẩm bổ” kiến thức cho năm học mới. Cũng không hẳn việc vui chơi cho trẻ cứ phải có khu vui chơi thiếu nhi, các trung tâm văn hóa mới gọi là chỗ chơi cho trẻ và được trẻ yêu thích. Hãy để trẻ mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội, tiếp cận và hòa nhập với môi trường sống tự nhiên... Đó là những cách rèn luyện tốt nhất cho trẻ trong dịp hè. Đối với trẻ mầm non, cha mẹ nên tìm cách đưa trẻ đến những khu vực công cộng, gần gũi với thiên nhiên để các em được thoải mái vận động cũng như tiếp cận với những điều mới lạ.
Thực hiện chuyên đề: LÊ QUÂN - VĨNH LỘC