Rào cứng, rào mềm...

BẢO ANH 02/06/2018 10:26

Có vẻ như kể từ khi nhà thơ chân quê Nguyễn Bính viết mấy câu thơ “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn...” thì trong tâm thức của nhiều người dân Việt, “giậu mồng tơi” được xem là loại hàng rào đẹp nhất, nên thơ nhất, lãng mạn nhất! Đã có một thời, rất dài, vài nhánh gai tre cắm hững hờ, trên đó thả dăm ngọn mồng tơi, vài nhánh bầu, tược mướp... đã được mặc định là hàng rào ở khắp các làng quê Việt.

Một bờ rào chè tàu ở làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước).Ảnh: B.A
Một bờ rào chè tàu ở làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh, Tiên Phước).Ảnh: B.A

Ranh giới giữa nhà này với nhà kia đơn giản, chiếu lệ và... mong manh là vậy nhưng hiếm khi xảy ra chuyện lấn đất, xâm canh. Nằm lòng câu “tấc đất tấc vàng” nhưng hầu như không ai nghĩ đến chuyện lấn hàng rào qua phía nhà hàng xóm để vườn mình thêm rộng. Ở quê tôi chừng 30 - 40 năm trước, nhà này dịch hàng rào về phía đất mình vài mét vô điều kiện, để hàng xóm có được khoảnh đất vuông vức tiện cho việc xây nhà, không phải là chuyện hiếm. Và, phổ biến hơn cả là chuyện này: Rau củ quả thu được từ... hàng rào - nhiều khi do người ta trồng và cũng có khi là cây tự sinh tự mọc, cũng là của chung. Hôm nay nhà này bắt được mớ cua đồng, sẵn mướp, mồng tơi trên rào đấy, cứ việc hái nấu canh, và nhà bên thế nào cũng có một bát cho bữa cơm thêm vị, và ngược lại... Xem ra phạm vi tình cảm từ những “giậu mồng tơi” trong thực tế rộng hơn trong thơ Nguyễn Bính rất nhiều.

Thực ra, “giậu mồng tơi” của Nguyễn Bính chỉ là một loại hàng rào mang tính “biểu tượng” và là một trong nhiều dạng thức khác nhau của cái hàng rào ở khắp các miền quê Việt. Ngoài những cái “giậu mồng tơi” là... mồng tơi thật, còn có những “giậu mồng tơi” được làm nên bởi những dâm bụt, chùm rụm, chè tàu, sắn ta, chuối nước... hay một loại cây dại nào đó. Những cái hàng rào xanh này hầu hết đều mềm mại và thấp, cao lắm thì ngang vai người lớn. Tuy thực hiện chức năng phân định ranh giới (nhiều khi chỉ mang tính tương đối), nhưng những hàng rào xanh kia không hề và chưa bao giờ ngăn trở sự trao đổi, giao lưu kiểu mắt với mắt, tay với tay giữa những người hàng xóm với nhau. Ngoài cuộc trao đổi cần sự tôn kính, nghiêm cẩn mà người này phải khăn áo chỉnh tề sang nhà kia thưa gửi (như đi mời đám giỗ chẳng hạn), phần lớn những cuộc trao đổi thông thường hằng ngày đều được thực hiện xuyên qua hàng rào. Những câu chuyện mùa màng, đồng áng; những buồn vui về cuộc sống thường nhật; chuyện con cái học hành, chuyện ứng xử nọ kia... đều được người dân quê thủ thỉ cùng nhau bên cạnh cái hàng rào. Bởi vậy, thường thì ở một vị trí nào đó dọc hàng rào giữa hai nhà, khoảnh đất ở hai bên chi chít dấu chân, đến loại cỏ cú nổi tiếng cứng đầu là vậy cũng không mọc được. Đấy chính là nơi những người hàng xóm thường ngày vẫn hay đứng hoặc ngồi để tâm sự, chuyện trò xuyên rào. Trên những mảng hàng rào xanh giữa nhà này với nhà kia còn có những khoảng hở có chủ ý. Chui qua khoảng hở ấy để đến với nhau cũng là một kiểu giao tiếp gần gũi, chân thành...

Ấy là chuyện của những ngày đã... xa. Còn bây giờ, những “giậu mồng tơi”, những hàng rào xanh mềm mại, hiền hòa và thơ mộng đang dần biến mất ở nhiều nơi, thay vào đó là những bức tường xây vững chãi cao vút hay những hàng rào thép, thép gai nhọn hoắc, vô cảm, lạnh lùng. Ở không ít ngôi làng chưa bị cơn lốc đô thị hóa tràn tới, không gian vườn tược vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị nhà cửa chen lấn, đan cài, ấy vậy mà những bờ rào cứng vẫn cứ mọc lên. Những cái hàng rào xanh mướt, mềm mại kiểu “giậu mồng tơi” mang tính tượng trưng ngày nào giờ biến thành những bức tường cứng ngăn cách. Không gian giao lưu hai bên hàng rào, bờ rào biến mất, chỉ còn lại mỗi công năng thô cứng là phân định ranh giới giữa hai nhà, thậm chí còn mang tính... “phòng thủ”.

Cuộc sống hiện đại tiềm ẩn nhiều... nguy cơ, ai cũng muốn rạch ròi hơn, chắc chắn hơn, an toàn hơn, riêng tư hơn nên việc “cứng hóa” cái hàng rào cũng là điều dễ hiểu. Không trách được, nhưng ngẫm lại, vẫn cứ thấy tiếc, thấy buồn!... Cũng may là, giữa cuộc sống đang mỗi ngày trở nên gấp gáp hơn, nhiều nơi nết ăn nết ở trọng ân tình, giàu tinh thần chia sẻ vẫn được đề cao, vẫn vượt qua được những toan tính thiệt hơn, riêng tư. Cái “giậu mồng tơi” mềm mại được đổi thành tường rào xây kiên cố cao quá đầu người, nhưng những cuộc đổi trao tâm tư tình cảm, miếng ngon vật lạ giữa hàng xóm với nhau vẫn không mất đi, tuy đã có phần thưa thớt hơn... Nhiều lần về quê, thỉnh thoảng lại bắt gặp cảnh người ta bưng vòng ra ngõ khi thì miếng mít luộc, lúc bát canh rau, nhiều lúc là cả một mâm cỗ đám giỗ... để mang biếu nhà hàng xóm, càng thấy quý cái tình quê ấm áp, chân thành; lại vừa giận vừa thương cho cái... tường rào!

Bởi vậy, thi thoảng dong xe về một số ngôi làng “cố xứ” vẫn còn nguyên sơ với những ngõ chè tàu như Lộc Yên ở Tiên Phước, Đại Bình ở Nông Sơn, Văn Hà ở Phú Ninh... bỗng nghe lòng bình yên đến lạ! Cũng vậy, chợt cảm thấy vui vui khi biết rằng trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền cơ sở ở một số nơi đã vận động nhân dân tham gia tạo cảnh quan cho đường làng ngõ xóm bằng cách làm hàng rào bằng cây xanh và hoa...

BẢO ANH

BẢO ANH