Hiệu quả từ những ao gom nước nhỉ
Ở thôn Tây Giang, xã Bình Sa (Thăng Bình), người dân đã tận dụng các ao gom nước nhỉ để phục vụ sản xuất có hiệu quả.
Ở những nơi khác vào thời điểm này, nhiều cánh đồng khô cằn chờ nước từ các tuyến kênh chính đổ về. Thế nhưng, ở tổ 1, thôn Tây Giang, hơn 15ha đậu phụng xuân hè gieo trồng được khoảng 40 ngày vẫn xanh mướt và phát triển tốt. Đó là nhờ 4 ao gom nước nhỉ. Gần 35 hộ dân nơi đây đã nạo vét, đào đắp đất và dọn vệ sinh các ao để tích tụ nước nhỉ. Theo ông Liên Văn Tháo, thuở xa xưa, khu vực này thiếu nước quanh năm, chỉ gieo sạ mỗi năm một vụ đông xuân rồi bỏ hoang. Tiếc đất ruộng, năm 1970, bà con trong khu vực đã đào những cái ao gom nước nhỉ để phục vụ sản xuất. Điều khá đặc biệt ở khu vực này, phần lớn là đất cát nên nguồn nước nhỉ rất dồi dào đảm bảo nguồn tưới ổn định. Và để những ao gom nước nhỉ sử dụng từ đó đến nay, cứ vào đầu vụ, bà con trong tổ thường rủ nhau đào đắp đất, dọn vệ sinh khai thông dòng chảy. “Cả khu vực này gieo sạ được 2 mùa lúa và 1 vụ đậu phụng là nhờ mấy ao gom nước nhỉ. Gia đình tôi có 3 sào ruộng ở đây, nhưng phụ thuộc vào 2 ao gom nước nhỉ nên cái ao nào tôi cũng phải có trách nhiệm cùng với bà con dọn vệ sinh” - ông Liên Văn Tháo nói.
Cứ đầu vụ, những người có ruộng lại chung tay góp sức nạo vét ao gom nước nhỉ, khai thông kênh mương để lấy nước tưới lúa, tưới đậu. Theo ông Thủy Ngọc Lãnh - Trưởng thôn Tây Giang, cả thôn có 8 ao gom nước nhỉ, riêng tại tổ 1 có đến 4 ao với 30 hộ sử dụng. Ao gom nước nhỉ tại tổ đã giúp cho việc ổn định nước tưới hơn 15ha. Cũng nhờ có các ao nước nhỉ mà bà con tổ 1 mới sạ được vụ lúa đông xuân, sản xuất đậu phụng xuân hè và gieo sạ lúa vụ hè thu. Bà con ở đây đoàn kết, cứ mỗi mùa vụ mới bắt đầu, họ cùng nhau dọn ao để có nguồn nước ổn định. Ông Lãnh cũng cho biết thêm, mỗi ao nước nhỉ tưới được 4 sào đất/ngày. Do vậy, sau khi nạo vét ao, bà con trong tổ họp lại phân công cho từng hộ sử dụng nguồn nước tưới đảm bảo. Các hộ dân tự đăng ký ngày mình trực tưới nước, luân phiên như vậy cho đến hết mùa vụ. Nhờ có sự phân công cụ thể nên không xảy ra tình trạng tranh giành, cãi vã về chuyện nước tưới. Đối với những người lớn tuổi và người có ruộng nhiều, ưu tiên lấy nước trước, hoặc gia đình nào có chuyện hiếu hỷ thì cũng được ưu ái.
Ông Phạm Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho hay, những ao gom nước nhỉ ở địa phương đã phát huy hiệu quả tích cực. Đây là những công trình chống hạn hiệu quả đối với những chân ruộng thường xuyên thiếu nước, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời. Thời gian qua, địa phương cũng đã trích nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí, nguồn kinh phí chống hạn do huyện Thăng Bình phân bổ để hỗ trợ người dân ở Tây Giang trong việc nạo vét ao gom nước nhỉ phục vụ sản xuất.
GIANG BIÊN - TRUNG THỰC