Quốc hội thảo luận nội dung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Chiều 30.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chủ trì phiên thảo luận ở tổ.
Đa số ý kiến đại biểu nhận định, qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động GD-ĐT, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học giữ vững và nâng cao; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017; củng cố và nâng cao kết quả xóa mù chữ cho người lớn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, thiết bị GD-ĐT được cải thiện và từng bước hiện đại hóa.
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục quốc dân thiếu tính liên thông, chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, thiếu định hướng phát triển và phân luồng học sinh từ sau THCS. Quy định về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học; chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam theo học các chương trình đào tạo quốc tế; chưa thực sự đảm bảo tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học để thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên, giảng viên chưa cân đối về số lượng và cơ cấu bộ môn. Chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện nay, nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục…
Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Việt Cường cho rằng, cần đánh giá, xem xét toàn diện chế độ cử tuyển quy định tại Điều 90 của Luật Giáo dục, theo đó cần bãi bỏ chế độ cử tuyển để tập trung nguồn lực hỗ trợ sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số học giỏi, tự thi đỗ đại học để đảm bảo chất lượng đào tạo và công bằng trong tuyển dụng công chức, viên chức. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm cập nhật và công khai thường xuyên các cơ sở đào tạo đại học ở nước ngoài, đào tạo liên kết ở trong nước được công nhận tại Việt Nam để tránh tình trạng sinh viên học tập nhưng không được công nhận kết quả học tập như thời gian vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng việc quy định tuổi vào học lớp 6 của học sinh là 11 tuổi, vào học lớp 10 của học sinh là 15 tuổi quá cứng nhắc, không phù hợp với thực tế do quá trình học người học có thể bị lưu ban, bỏ học một thời gian nhất định. Do đó, chỉ cần quy định tuổi của học sinh vào học lớp 1 là 6 tuổi đã đầy đủ. Về quy định học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học nếu sau khi tốt nghiệp công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ được miễn khoản vay tín dụng theo khoản 3 Điều 89, đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho rằng quy định như vậy là chưa công bằng, do đó cần có chính sách toàn diện hơn để hỗ trợ cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định, cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT.
DUY MAI