Nhiều vi phạm an toàn thực phẩm

VIỆT NGUYỄN 31/05/2018 09:37

Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 (ngày 15.4 đến 15.5), các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6.168 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 915 cơ sở vi phạm.

Ngành chức năng kiểm tra, test nhanh mẫu chả ở địa bàn huyện Duy Xuyên. Ảnh: V.Q
Ngành chức năng kiểm tra, test nhanh mẫu chả ở địa bàn huyện Duy Xuyên. Ảnh: V.Q

Theo ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, các số liệu thống kê, đối chiếu so với Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 đã cho thấy mức độ, tính chất vi phạm gia tăng trong năm 2018 này. Cụ thể, số cơ sở thanh tra, kiểm tra trong năm 2018 ít hơn năm 2017 nhưng số cơ sở vi phạm đã tăng thêm 0,32%. Số cơ sở vi phạm bị xử lý trong đợt vừa qua cũng tăng so với thời điểm năm 2017 là 0,16%. Tổng số tiền bị xử phạt trong năm 2018 là hơn 80 triệu đồng, cao hơn 0,24% so với năm 2017. “Có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không thực hiện đúng các quy định an toàn thực phẩm. Tiêu biểu như không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, sản xuất chế biến không tuân theo nguyên tắc 1 chiều, một số mặt hàng thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ” - ông Nguyễn Cam nói. Đáng kể, các đoàn kiểm tra, thanh tra đã test nhanh 849 mẫu thực phẩm thì có đến 146 mẫu không đảm bảo an toàn thực phẩm (tỷ lệ 17,2%). Các đoàn cũng đã lấy 14 mẫu thực phẩm đi kiểm nghiệm thì có 3 mẫu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm (tỷ lệ 21,43%).

Tín hiệu đáng mừng là trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào. Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận, các ngành chức năng đã triển khai các công việc được nề nếp, bài bản, đúng với chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như hướng dẫn của Trung ương. Vai trò, trách nhiệm của tổ chức mặt trận, các hội, đoàn thể cấp huyện cũng được nâng cao trong thời gian qua. Công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm đã được các cơ quan triển khai có trọng tâm, sâu rộng, hiệu quả, huy động được các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng hưởng ứng. “Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến địa phương, tập trung theo đúng chủ đề là tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác truyền thông đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung nên đã tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân cũng như phòng, chống mất an toàn thực phẩm của ngành chức năng”, ông Nguyễn Văn Văn nói.

Theo Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, qua Tháng hành động vì an toàn thực phẩm có thể nhận biết nhiều khó khăn. Địa bàn Quảng Nam rộng, có đến 18 huyện, thị xã, thành phố trong đó, phần lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ nên đầu tư ít, chất lượng thực phẩm còn chưa đủ chuẩn. Ngành công thương chưa phân cấp việc cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho tuyến huyện nên khó khăn cho nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã đủ điều kiện nhưng chưa được xác nhận. Cán bộ chuyên trách, chuyên quản an toàn thực phẩm chưa được đào tạo chuyên sâu, còn kiêm nhiệm, luân chuyển vị trí công tác cũng là điểm yếu trong quản lý an toàn thực phẩm. Theo đó, ngành chức năng đề xuất với Cục An toàn thực phẩm có kế hoạch đào tạo thanh tra viên chuyên ngành an toàn thực phẩm; mở lớp bồi dưỡng các kỹ năng truyền thông, kỹ năng điều tra, giám sát ngộ độc thực phẩm và đào tạo, cấp chứng chỉ lấy mẫu cho cán bộ quản lý an toàn thực phẩm tại Quảng Nam. Đối với các địa phương, cần tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng về an toàn thực phẩm, đảm bảo quản lý an toàn thực phẩm ở cơ sở được hiệu quả.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN