Lo vì bạn

C.B.L 31/05/2018 09:33

Một tuần nay, giá heo tăng liên tục. “Vượt mốc 50.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại” - nghe cứ như bản tin tài chính về giá vàng và chứng khoán được cập nhật 3 lần/ngày. Tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam đã lên mức 52.000 đồng/ký heo hơi, tăng gấp từ 2 - 2,5 lần so với thời điểm năm ngoái. Giá heo tăng, nhưng người được lợi không phải là nông dân, vì bà con đã giảm đàn mạnh sau đợt dịch bệnh và rớt giá thê thảm trong năm 2017.

Lập tức, nhiều lo ngại được đưa ra, về chuyện thao túng giá từ các công ty lớn, trong đó có việc một số công ty của người Trung Quốc đứng ra mua lại các trang trại lớn ngay đợt lao đao do khủng hoảng thừa, giá rớt thảm hại và kỷ lục trong vòng 30 năm tính tại thời điểm 2017. Lúc đó, cả nước lao vào “giải cứu heo”. Bây giờ thì ngó giá tăng từng ngày mà… thèm. Thời điểm đó, người đứng đầu Bộ NN&PTNT đã đề nghị đến 2019, các địa phương trên cả nước giảm đàn heo nái từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con. Liệu sang năm, nếu theo đà giảm đàn đó, giá heo hơi sẽ tiếp tục leo dốc? Và nông dân vẫn tiếp tục không hưởng lợi vì không thấy giải pháp căn cơ nào đưa ra.

Trái ngược với giá heo, rau củ quả Đà Lạt đang thua ngay trên sân nhà do giá nhập từ thị trường Trung Quốc thấp hơn. Cùng với đó, chuyện “hô biến” nông sản Trung Quốc thành nông sản Việt vẫn không có cách gì ngăn chặn.

Mấy ngày nay, khoai môn ở An Giang, Đồng Tháp rớt từ 30.000 đồng/kg xuống còn 7.000đồng/kg do Trung Quốc ngừng thu mua. Rồi có giải cứu không? Như tháng trước đã phải giải cứu dưa hấu tại Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Trong khi nông sản trong nước liên tục rớt giá, ngó qua con số từ Tổng Cục thống kê: quý I.2018, tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng rau củ quả của cả nước đạt gần 340 triệu USD.

Thị trường Trung Quốc được cho là dễ tính với nông sản Việt, nên hễ thị trường này ngưng thì nông sản Việt không biết bán cho ai? Do quy trình sản xuất không theo chuỗi và không đạt chuẩn chất lượng với những thị trường khó tính và nghiêm ngặt trong khâu kiểm định nên nông sản Việt khó có đầu ra? Hay do chiến lược thâu tóm và đánh vào ngành nông nghiệp của các doanh nghiệp Trung Quốc? Trả lời được những câu hỏi đó thì mới có thể giải bài toán giải cứu lặp đi lặp lại trên cả nước.

Ở một góc khác không phải là nông sản, hôm qua, tờ Vneconomy.vn thông tin, với mức giá rẻ hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, bất động sản Việt Nam đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc. Giá bất động sản trung bình tại Sài Gòn thấp hơn lần lượt 14% và 18% so với Hồng Kông và Trung Quốc. Dợm nghĩ chuyện Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu), trong đó có việc cho thuê đất 99 năm khiến xôn xao dư luận trong hai ngày qua. Nghĩ mà lo.

C.B.L

C.B.L