Quốc hội thảo luận Luật Cảnh sát biển: Cần quy định rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực thi pháp luật trên biển
(QNO) - Chiều 29.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh sát biển. Đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chủ trì phiên thảo luận.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: DUY MAI |
Theo tờ trình của Chính phủ, biển Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu kilômet vuông, nằm trọn trong Biển Đông, có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 28.3.1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (gọi tắt là Pháp lệnh).
Qua 19 năm thực hiện Pháp lệnh, Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển; góp phần thể hiện hình ảnh Việt Nam là quốc gia ven biển, thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, có trách nhiệm giữ gìn an ninh, hòa bình quốc tế; mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hữu nghị, hòa bình, trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.
Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Ngọc Hải - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) nhận định, hiện nay Biển Đông được đánh giá là một trong những vùng biển có nhiều tranh chấp phức tạp nhất thế giới, không chỉ liên quan đến lợi ích của nhiều nước ven Biển Đông, mà còn liên quan đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc hải dương trên thế giới.
Ngoài ra tình hình vùng biển Việt Nam diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra, do chiến lược, tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực (vụ giàn khoan HD 981 năm 2014, HD 760 năm 2017, các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển...); các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Do đó, việc Quốc hội xem xét ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cần thiết và phù hợp với định hướng chiến lược quốc phòng - an ninh, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Về quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định quyền truy đuổi người, phương tiện vi phạm pháp luật trên biển và quyền bắt giữ tàu biển là phù hợp nhưng không quy định quyền bắt giữ người vi phạm là chưa đầy đủ, toàn diện. Do đó đề nghị bổ sung nội dung này vào luật. Bên cạnh đó, quy định làm rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo thực thi pháp luật, bảo vệ tốt chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển của nước ta.
DUY MAI