Đề nghị không xem xét đặc xá đối tượng bị kết án các tội xâm phạm an ninh quốc gia

DUY MAI 30/05/2018 09:13

(QNO) - Chiều 29.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chủ trì phiên thảo luận tổ.

Theo tờ trình của Chính phủ, trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Từ năm 2009 đến 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 85.897 phạm nhân và 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Bên cạnh đó, để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong 3 năm 2014 - 2016, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân và 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ cũng chỉ ra trong thực tiễn thi hành Luật Đặc xá năm 2007 nhiều quy định của luật không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, cần phải sửa đổi, bổ sung.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, các điều kiện được đề nghị đặc xá quy định tại Điều 10 Luật Đặc xá (sửa đổi) có nhiều nội dung quy định tại Điều 66 tha tù trước thời hạn có điều kiện của Bộ luật Hình sự hiện hành, thuộc thẩm quyền quyết định của tòa án. Do đó cần phải quy định các điều kiện để đặc xá đảm bảo là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội.

Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị không xem xét đặc xá cho đối tượng bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, tội khủng bố quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299 Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước.

Đại biểu Phan Thái Bình nêu thực tế thời gian qua một số trường hợp người đồng bào dân tộc thiểu số do thiếu hiểu biết nên vi phạm các tội về khai thác, bảo vệ rừng, mặc dù đã chấp hành án tốt, ăn năn hối cải nhưng không được xem xét đặc xá vì họ không có điều kiện chấp hành phạt tiền, án phí và bồi thường dân sự. Do đó có cần quy định bổ sung về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, mặc dù dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) đã có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của ngành kiểm sát. Tuy nhiên lại chưa quy định về trình tự, thủ tục để thực hiện quyền hạn trên, nhất là thực hiện quyền kiểm sát tuân theo pháp luật của viện kiểm sát đối với công tác đặc xá. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định về tái hòa nhập cộng đồng của người được đặc xá để cảm hóa, giúp đỡ người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng.

DUY MAI

DUY MAI