Ngư dân đơn độc!

C.B.L 30/05/2018 08:25

Chút hy vọng về một ngày nào đó qua cơn bĩ cực, được cưỡi sóng vươn khơi trên con tàu hiện đại của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) gần như lụi tắt khi ngân hàng đề nghị thanh lý tài sản để thu hồi nợ. Có lẽ đây là một “con sóng” hung dữ nữa mà ông phải đối mặt sau chuỗi ngày nằm bờ chờ đợi trong tâm lý lo lắng vì vụ kiện tụng kéo dài, mà một ngư phủ như ông khó hình dung nổi.

Và vụ kiện này không biết đến bao giờ mới có hồi kết sau hai bản án trái ngược nhau, mới đây lại thêm đề nghị xem xét giám đốc thẩm của Công ty CP Tập đoàn Liên Á (đơn vị bị phán quyết phải bồi thường trong sự cố hỏng máy ở phiên tòa phúc thẩm). Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu hoãn thi hành bản án này. Có lẽ đây là lý do chính để phía ngân hàng thông báo dừng cho ông Liên vay vốn đóng tàu, thanh lý hợp đồng, chuyển tàu cho chủ khác. Cụ thể, BIDV chi nhánh Quảng Nam (đơn vị cho vay vốn đóng tàu) cho rằng vụ việc tranh chấp giữa ông Liên với đơn vị đóng tàu, đơn vị cung cấp máy đến nay chưa được giải quyết. Do đó, nếu ngân hàng tiếp tục giải ngân thì tàu vẫn phải nằm bờ bởi còn khiếu kiện giữa các bên. Trong trường hợp này thì cả ngân hàng và ông Liên cũng không được gì, lại càng khó khăn thêm.

Đúng là ông Liên không được gì khi con tàu vẫn đang nằm bờ, nếu thanh lý tài sản, thậm chí ông có thể mất trắng hơn 1 tỷ đồng vốn đối ứng và chi phí trong quá trình đóng tàu. Trong khi phía ngân hàng đã có cách để thu hồi vốn bằng việc thanh lý hợp đồng thì với ông, để bảo vệ tài sản của mình, đã vô tình bị đẩy về phía ngược lại và cũng chỉ biết thốt lên rằng “có chết cũng chết trên tàu!”. Ông Liên có khả năng giữ được tàu không khi có quá nhiều điều bất lợi? Trước mắt phải gồng gánh nợ nần, phải bảo vệ con tàu đang phơi nắng mưa và bước vào vụ kiện tụng kế tiếp. Trong khi đó, phía ngân hàng cũng “kiên quyết” không kém khi đề nghị cần phải thanh lý hợp đồng vì vỡ phương án tài chính. Và nếu bảo vệ được tàu, ông sẽ lại phải xoay xở ra sao với khoản nợ quá hạn kèm lãi hàng năm cả tỷ đồng, và thêm khoản chi phí tu bổ con tàu để đủ điều kiện vươn khơi?

Trả lời báo chí sau cuộc họp tìm hướng giải quyết vấn đề này, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của tỉnh, cho rằng chỉ có phương án thanh lý là tốt nhất, sau đó ngân hàng phối hợp với cơ quan chức năng tìm đối tác khác có đủ năng lực, tài chính. Riêng ông Liên được dẫn lời rằng muốn giữ lại tàu, bởi “tàu nằm bờ và chưa bàn giao cho tôi, vậy lấy gì để tôi đi biển kiếm tiền trả nợ gốc và lãi hàng năm? Cái này đâu phải lỗi do tôi...?”. Thật vậy, cả ông và ngân hàng không có lỗi trong vụ việc này, nhưng xem ra chỉ mình ông là nằm trong tình cảnh đơn độc.

C.B.L

C.B.L