Loay hoay du lịch Cẩm Thanh
Tìm giải pháp quản lý, phát triển hiệu quả du lịch Cẩm Thanh (TP.Hội An), đặc biệt là du lịch sinh thái khu vực rừng dừa nước, câu chuyện không mới nhưng bao năm qua vẫn chưa có hồi kết.
Du lịch sinh thái rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An) vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Ảnh: VĨNH LỘC |
Chệch hướng du lịch sinh thái
Vài năm gần đây, du khách đến Cẩm Thanh ngày càng tăng. Chỉ tính lượng khách lưu trú trong giai đoạn 2014 - 2016 đã tăng gần 30% mỗi năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, Cẩm Thanh đón hơn 300 nghìn lượt khách (doanh thu bán vé tham quan gần 9 tỷ đồng), như vậy bình quân mỗi ngày có đến 1.700 lượt khách đến nơi này.
Du lịch phát triển đã tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giải quyết công ăn việc làm với các hoạt động như du lịch cộng đồng, thuyền thúng, dịch vụ ăn uống, dạy nấu ăn…
Trong đó, dịch vụ vận chuyển du khách tham quan rừng dừa nước bằng thuyền thúng thu hút khá đông người dân tham gia. Hiện toàn xã có 900 phương tiện thuyền thúng với khoảng 450 hộ dân hành nghề, thu nhập bình quân hàng ngày khoảng 150 - 200 nghìn đồng/người. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động làm phát sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng đến môi trường du lịch sinh thái Cẩm Thanh.
Theo TS.Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Cẩm Thanh định hướng phát triển du lịch làng quê sinh thái nhưng thực tiễn không như vậy. Các loại hình dịch vụ phát triển rầm rộ nhưng chủ yếu theo hướng đại trà, không có tính liên kết. Sự gia tăng số lượng du khách kéo theo nhu cầu sử dụng thực phẩm, tăng phát thải, xâm hại rừng dừa, gây tiếng ồn, xáo trộn môi trường và vòng đời tự nhiên của các loài hoang dã. Với tốc độ đô thị hóa, công trình hóa trong thời gian gần đây đã và đang gây tác động rất lớn đến chất lượng môi trường, cảnh quan, sức khỏe hệ sinh thái rừng dừa nước và tính đa dạng sinh học, kể cả làm thay đổi nét văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Hình thái phát triển vượt tầm kiểm soát đáng lo hiện nay là sử dụng loa thùng bật nhạc công suất lớn để hát hò nhảy múa phục vụ du khách, vô tư bứt lá dừa để làm thành những phần quà không cần thiết tặng khách, gây tổn thương đến môi trường.
TS. Chu Mạnh Trinh cho rằng, bản thân khách không cần sự hát hò nhảy múa, không cần được tặng những sản phẩm bằng lá dừa làm tại chỗ. Những gì đang diễn ra cũng chỉ muốn thỏa mãn nhu cầu của du khách, nên nếu như những người cung cấp dịch vụ chưa đủ tầm, chưa đủ năng lực để đa dạng dịch vụ, các nhà quản lý, nhà khoa học không nói để họ biết thì tình trạng đó vẫn sẽ tiếp diễn. Trong khi đó, những giá trị của rừng dừa nước chỉ rõ cho người dân, chưa cho họ thấy nó lớn lên như thế nào, gắn với cuộc sống người dân ra sao, có ý nghĩa thế nào trong cuộc chiến giải phóng dân tộc. Người làm dịch vụ chưa liên hệ để lột tả hết những câu chuyện đó giới thiệu đến du khách mà mới chỉ muốn làm nhiều cách để du khách vui và nghĩ như thế họ sẽ hài lòng.
Định lại hướng đi
Trước những thực trạng trên, UBND TP.Hội An phối hợp cùng Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An và UBND xã Cẩm Thanh vừa tổ chức buổi tọa đàm “Du lịch sinh thái Cẩm Thanh thực trạng và giải pháp” nhằm tìm hướng giải quyết.
Ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh thừa nhận, rất khó giải quyết dứt điểm tình trạng loa thùng hát karaoke hay ngắt lá dừa chỉ vì lợi ích nên những tác hại rất lớn cho hệ sinh thái. “Phần do nhu cầu của du khách họ yêu cầu người dân mình làm vậy, phần vì tiền bo quá lớn, nên tình trạng này khó hết hẳn. Mới đây xã đã tuyển thêm 4 nhân viên để thường xuyên kiểm tra kiểm soát việc mở loa thùng, bứt lá dừa. Địa phương cũng đang xây dựng đề án giao rừng dừa cho dân quản lý, dự kiến tháng 1.2019 sẽ hoàn thành, lúc đó hy vọng tình trạng ngắt lá dừa sẽ không còn” - ông Linh nói.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, vấn đề căn cơ nhất hiện nay là xác định được sức chứa và điều tiết khách, vì du lịch sinh thái không thể có sức chứa quá lớn, lượng khách cao sẽ phá vỡ sinh thái. Thứ hai, phải xây dựng lại sản phẩm đặc trưng, du khách vào khu rừng dừa phải đi đúng lộ trình và chương trình tour, hiện diễn ra tình trạng mạnh ai nấy đi không theo tour tuyến, quy trình cụ thể nào. “Khi chúng ta có quy trình sản phẩm, khách vào sẽ biết họ đi đến đâu, được làm gì, không được làm gì; doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy trình sản phẩm đó. Điều đó cũng sẽ giúp dễ dàng thay đổi nhận thức người dân” - ông Thanh chia sẻ quan điểm.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, những mặt chưa được đã và đang diễn ra tại Cẩm Thanh liên quan đến sinh kế của người dân và đó là mâu thuẫn cần giải quyết, nhưng nói giải quyết được ngay là không thể. Cái gì chưa làm được sẽ cố gắng làm nhưng mà không phải trong một sớm một chiều. Ông Hùng cho rằng, cần xây dựng một nhận thức chung, một cách hiểu chung và một sự đồng thuận về những vấn đề cơ bản nhất giữa các bên liên quan. Trong đó, xác định lấy bảo tồn làm động lực và cơ sở trong phát triển, nghĩa là làm du lịch một cách có trách nhiệm dù đó là bước đi rất dài, một quá trình cần phải làm từ từ. Hiện nay, kế hoạch phát triển du lịch Cẩm Thanh đang được xây dựng và chuẩn bị hoàn thành, trên cơ sở sự tham gia của 4 bên: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân. Sau khi kế hoạch được ban hành sẽ cùng nhau thực hiện với sự cam kết về mặt trách nhiệm giữa các bên, trong đó Nhà nước là người điều phối.
VĨNH LỘC