Đại lễ Phật đản 2018 - Phật lịch 2562: Phật giáo đồng hành với dân tộc

ANH ĐÔNG 29/05/2018 09:28

Với tinh thần “ích đạo lợi đời”, các Tăng, Ni và đồng bào Phật tử đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển, đi lên của tỉnh.

Nhiều chức sắc Phật giáo trong tỉnh thường xuyên kêu gọi, vận động nhà hảo tâm để thực hiện những chuyến từ thiện đến với vùng khó khăn. Ảnh: VINH ANH
Nhiều chức sắc Phật giáo trong tỉnh thường xuyên kêu gọi, vận động nhà hảo tâm để thực hiện những chuyến từ thiện đến với vùng khó khăn. Ảnh: VINH ANH

Theo Ban Trị sự giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh, hiện toàn tỉnh có 295 ngôi chùa, trong đó có 287 cơ sở thuộc hệ phái Bắc Tông, 3 cơ sở thuộc hệ phái Nam Tông và 5 cơ sở thuộc hệ phái Khất sĩ. Cả tỉnh hiện có khoảng 737 vị Tăng, Ni.

Tích cực bảo vệ môi trường

Cẩm Thanh (TP.Hội An) là một xã vùng quê sông nước, người dân làm ăn sinh sống đa ngành, đa nghề, trong đó có ngành du lịch - dịch vụ phát triển mạnh những năm gần đây. Tuy nhiên, song song với phát triển kinh tế thì môi trường là nỗi lo của địa phương. Theo đó, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền trong nhân dân nói chung, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cẩm Thanh đã xây dựng chương trình phối hợp với Ban hộ tự chùa Cẩm Thanh thực hiện mô hình tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường dài 300m. Vào ngày 29 âm lịch hàng tháng, các đạo hữu Phật tử cùng nhau ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường dọc tuyến đường. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Cẩm Thanh, qua 2 năm thực hiện chương trình phối hợp đã bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi hành vi, thói quen sống thân thiện với môi trường của cả cộng đồng.

Tại Hội An, trong năm 2017 Mặt trận thành phố đã tiếp tục hướng dẫn duy trì và nhân rộng các mô hình đoạn đường tự quản tại các xã, phường. Đến nay, toàn thành phố có 13/13 xã, phường ký kết với 20 cơ sở thờ tự, trong đó chủ yếu là Phật giáo với tổng đoạn đường hơn 5km. Qua 2 năm phát động phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tại Hội An đã có hơn 13 nghìn lượt người tham gia với tổng chiều dài các tuyến đường được dọn dẹp là hơn 43km với hàng tấn rác thải được thu gom. Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, vừa qua Mặt trận tỉnh ký kết chương trình phối hợp với các tôn giáo trên địa bàn tỉnh về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 - 2020. Trước đó, chương trình ký kết giai đoạn 2015 - 2017 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca nhận xét, trong năm qua, chư tôn đức Giáo phẩm, Tăng, Ni cùng đồng bào Phật tử trong tỉnh đã đoàn kết, gắn bó, đồng hành với nhân dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và các phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Qua đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

Đạo đi đôi với đời

Ban từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh có những đóng góp quan trọng, nhất là trong việc xã hội hóa các hoạt động, gắn kết với các cuộc vận động của mặt trận, chính quyền địa phương trong hoạt động nhân đạo. Theo báo cáo, hơn 20 năm qua, công tác từ thiện, an sinh xã hội của Phật giáo đạt kết quả hơn 300 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, vừa qua khi Trung ương GHPG Việt Nam có công văn về tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, trong đó có nội dung đề nghị chư tôn đức Tăng, Ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã. Trao đổi về nội dung này, Hòa thượng Thích Thiện Thành - Trưởng ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh khẳng định, trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Hòa thượng Thích Thiện Thành cho biết, thực hiện công văn của Trung ương GHPG Việt Nam, GHPG tỉnh sẽ hướng dẫn Tăng, Ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, cần tuyên truyền, vận động trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo. Đồng thời đề nghị chư tôn đức Tăng, Ni hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã, các hình thức nhương sao giải hạn tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Năm 1997, Quảng Nam được chia tách thành đơn vị hành chính riêng và GHPG Quảng Nam cũng được thành lập từ đó. Qua hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Phật giáo tỉnh đã trải qua 4 kỳ đại hội, mỗi kỳ đều có các sự kiện đánh dấu bước phát triển không ngừng của giáo hội. Các chương trình hoạt động Phật sự của Phật giáo Quảng Nam hướng đến tinh thần “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”, thể hiện tính “Đoàn kết hòa hợp - Trưởng dưỡng đạo tâm - Trang nghiêm giáo hội”. Tăng, Ni, Phật tử trong toàn tỉnh tạo nên nhiều thành tựu Phật sự quan trọng như: Ban thanh thiếu nhi Phật tử thuộc Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh đã tổ chức các khóa tu mùa hè, trại hè… cho thanh thiếu nhi, qua đó giúp xây dựng nhân cách đạo đức tốt hơn. Ngoài ra còn phối hợp tổ chức chương trình tiếp sức mùa thi cho thí sinh trong và ngoài tỉnh về dự thi tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; tổ chức chương trình vui tết trung thu cho các trẻ em huyện miền núi; vận động phát quà từ thiện, hiến máu nhân đạo, diễu hành xe đạp vì môi trường...

ANH ĐÔNG

ANH ĐÔNG