"Hai tốt" ở ngành giáo dục

XUÂN PHÚ 28/05/2018 10:25

Gắn thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo gương Bác Hồ, phong trào “Hai tốt” (dạy tốt - học tốt) ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong ngành GD-ĐT tỉnh, tạo sức bật triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện phát biểu bàn giao nhà tình nghĩa cho cán bộ, giáo viên khi còn làm Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành). Ảnh: X.PHÚ
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện phát biểu bàn giao nhà tình nghĩa cho cán bộ, giáo viên khi còn làm Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành). Ảnh: X.PHÚ

Nhiều tập thể xuất sắc

Là một trong những phong trào lớn của ngành, thi đua “dạy tốt - học tốt” đã trở thành giá trị cốt lõi của tất cả trường học ở Quảng Nam. Từ việc thực hiện nội dung phong trào đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới, giúp cho nhiều đơn vị vươn lên trở thành những tấm gương điển hình. Trường Phổ thông DTNT tỉnh là một trong những đơn vị tiêu biểu như vậy. Gặp không ít khó khăn do loại hình chuyên biệt, song với quyết tâm cùng cách làm sáng tạo, ngôi trường dành cho học sinh (HS) người dân tộc thiểu số đóng chân tại Hội An đã khẳng định được vị thế của mình bằng những kết quả ấn tượng trong công tác dạy và học. Những năm qua, tỷ lệ HS trúng tuyển đại học qua con đường thi tuyển ngày càng nhiều.

Mới đây nhất, lần đầu tiên nhà trường có được giải Nhì kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2018 (giải Nhì môn Lịch sử của Đinh Nguyễn Phương Thảo) và là đơn vị duy nhất trong danh sách cùng với 2 trường THPT chuyên của tỉnh dự thi và đạt giải. Không chỉ vậy, trường còn để lại nhiều dấu ấn khác như: ngôi trường đầu tiên ở bậc THPT đạt chuẩn quốc gia, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Một đơn vị tiêu biểu khác là Trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên). Với những “bí quyết” của riêng mình, ngôi trường mang tên hiệu của nhà cách mạnh Phan Bội Châu này luôn có được những thành công ngoài mong đợi, xứng danh với danh hiệu Anh hùng Lao động. Truyền thống tốt đẹp đó tiếp tục được nhiều thế hệ thầy và trò phát huy, nhiều năm qua luôn giương cao ngọn cờ đầu trong phong trào thi đua toàn tỉnh.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, bên cạnh đẩy mạnh thực hiện phong trào “dạy tốt - học tốt”, các trường còn gắn với triển khai hiệu quả việc học tập và làm theo gương Bác Hồ qua những cuộc vận động của ngành như “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Nhờ đó, ngoài những ngôi trường có bề dày truyền thống, đã xuất hiện thêm nhiều gương mặt mới để lại dấu ấn trong công tác xây dựng trường chuẩn, hoạt động dạy và học, nâng cao chất lượng.

Có thể kể đến rất nhiều những điển hình trong thời gian gần đây như Trường Mầm non 24.3 (Tam Kỳ), các Trường Tiểu học số 3 Nam Phước (Duy Xuyên), Lê Quý Đôn (Núi Thành), Võ Thị Sáu (Phú Ninh); hay các Trường THCS Nguyễn Du (Điện Bàn), Kim Đồng (Duy Xuyên); Trường THPT Lê Hồng Phong (Duy Xuyên). Cạnh đó, nhiều trường học cũng thể hiện sự năng động, dám nghĩ dám làm trong tổ chức hoạt động, vươn lên giành nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của tỉnh, như Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Núi Thành), Võ Thị Sáu (Thăng Bình); THCS Kim Đồng (Núi Thành), Nguyễn Văn Trỗi (Phú Ninh), Phan Châu Trinh (Thăng Bình); THPT Hiệp Đức, Chu Văn An (Đại Lộc). Đây là những đơn vị đã phát huy tính sáng tạo, đạt được những thành tích xuất sắc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, Chính phủ tặng bằng khen, cờ thi đua.

Nhà giáo nêu gương

Phong trào thi đua “Hai tốt”, “Hai giỏi”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ nhà giáo. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả, họ đã góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao chất lượng dạy - học, xây dựng trường học thân thiện, tạo niềm tin yêu nơi phụ huynh HS. Nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy với nghề, với học trò đã được ghi nhận và vinh danh bằng các danh hiệu cao quý như Nhà giáo ưu tú, Giáo viên giỏi, Chiến sĩ thi đua. Có thể kể đến như Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện (Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành), thầy giáo Nguyễn Thành Khoa (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tam Kỳ), cô giáo Lê Thị Diệu Thạnh (Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn). Kể cả đến lúc nghỉ hưu, bằng nhiều cách, không ít người vẫn gắn bó với bục giảng, với học trò thân thương, như Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thảo (Tam Kỳ) tham gia dạy miễn phí cho trẻ em nghèo do Hội Cựu giáo chức mở tại địa phương; hay Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương thành lập trường tư để đáp ứng nhu cầu học tập của HS, rồi tham gia Hội Cựu giáo chức tỉnh cho đến 78 tuổi.

Xứng đáng là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, bên cạnh công tác chuyên môn, rất nhiều nhà giáo còn nêu gương sáng hết mình vì HS thân yêu với những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn. Những câu chuyện đã được kể về các thầy, các cô hết mực thương yêu, chăm lo cho học trò, như cô giáo Nguyễn Thị Kiều Liên (Trường THPT Tiểu La, Thăng Bình) sẵn lòng nhận HS neo đơn về nhà mình để nuôi dưỡng, giúp các em học tập thành tài. Còn tại Trường THPT Hiệp Đức, thầy giáo Huỳnh Hữu Hùng đứng ra vận động thành lập nhóm giáo viên xung kích, tự nguyện dạy phụ đạo miễn phí cho HS nghèo.

Một hình ảnh lung linh khác, cô giáo Trần Thị Điểm (Trường THPT Nguyễn Hiền, Duy Xuyên), thương hoàn cảnh của học trò nông thôn nghèo khó nên vào mỗi đầu năm học luôn làm một công việc quen thuộc  “xin áo dài trắng của HS cũ để tặng lại thế hệ đàn em”. Tất cả đã tạo nên những hình ảnh rất đẹp về người thầy với tấm lòng cao cả, bao dung, nói như Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, vẫn còn đó rất nhiều nhà giáo ngày đêm bám trường, bám lớp, tận tụy với học trò. Cũng có nhiều thầy, cô giáo sẵn sàng giúp đỡ học trò nghèo về tiền bạc, dạy thêm miễn phí”.

XUÂN PHÚ

XUÂN PHÚ