Lời nói chẳng mất tiền mua...

HẠNH NGUYÊN TRANG 28/05/2018 08:55

Con người mất khoảng hai năm để học nói nhưng phải mất cả đời để học im lặng. Bởi lời nói nếu không khéo léo, tế nhị, dễ làm người khác bị tổn thương. Thế nên,ông bà ta mới có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Trong cuộc sống hàng ngày, người ta dễ dàng phán xét, bình phẩm một vấn đề mà không cần biết phải trái, đúng sai; thậm chí kể cả khi đã tường tận họ vẫn có thể bàn tán nọ kia vì… thích! Có biết bao nhiêu cuốn sách được xuất bản, bao nhiêu bài học được tuyên truyền, phát tán để bày dạy cách giao tiếp, cách tự tin trước đám đông khi trình bày một vấn đề gì đó. Nhất là đối với những người bán hàng, giao tiếp được nâng lên thành một nghệ thuật để níu giữ khách qua cách nói năng trò chuyện... Nhưng, chẳng có sách vở hay thầy cô giáo nào dạy chúng ta được cách giữ im lặng khi cần thiết. Bởi vì, chỉ duy nhất người có thể thực hiện được không ai khác lại là bản thân chúng ta.

Trong cuộc sống, giữa người với người, thứ có thể rút ngắn khoảng cách mà cũng có thể đẩy nhau ra xa, suy cho cùng vẫn là từ những lời nói mà ra!

Có lẽ, chúng ta đã học nói, phải chăng đã đến lúc nên học cách im lặng? Im lặng để không làm tổn thương người khác, để không làm cuộc tranh luận trở nên căng thẳng hơn, hay đơn giản là để mọi chuyện không bị đẩy đi quá xa, vượt khỏi tầm kiểm soát. Thú thật, bản thân tôi cũng là một người khá nóng nảy, hiếm khi “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” nếu lỡ “dấn thân” vào một cuộc tranh cãi. Nhiều khi không phải vì muốn mình được thừa nhận là đúng, mà chỉ vì không muốn bị coi là kẻ thua cuộc. Thế rồi tôi được gì? Không được gì cả nếu người đối diện vẫn giữ niềm tin vào kết quả khác của riêng họ. Nhưng, bất hòa lại là điều còn đọng lại sau cùng. Từ xích mích nhỏ, rồi lớn dần đến một lúc nào đó nhìn lại, hai người đã chẳng thể quay về như lúc đầu nữa. Không ít lần tôi từng chứng kiến một đôi bạn thân cãi nhau bắt đầu chỉ vì sự đùa giỡn quá trớn để mang đến không khí vui vẻ hơn và rồi kết thúc lại ê chề bằng khoảng trống không thể nào lấp đầy bởi những lời nói nửa đùa nửa thật như xát muối.

Những câu chửi thề, những từ ngữ nặng nề… vẫn được phát ra từ miệng của nhiều người mỗi ngày khiến đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi: Phải là chúng ta đã và đang dễ dãi với bản thân mình quá hay không, hay nó đơn thuần là thói quen nhằm bắt đầu một cuộc trò chuyện?!

Tôi vẫn còn nhớ thông điệp “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” của tập đoàn Prudential thuở nào. Họ khôn khéo đánh vào tâm lý khách hàng khi thể hiện mình là người luôn dành cái tai để nghe ý kiến người sử dụng và dùng trái tim để đón nhận mọi điều với một tâm thế tích cực, cởi mở. Thế mới thấy, nói là một loại năng lực, còn im lặng lại là một loại trí tuệ. Giữa nói và im lặng - tất cả đều cần đúng người, đúng hoàn cảnh và đúng thời điểm. Có những chuyện, nhất định không thể đi đâu cũng nói, gặp ai cũng kể. Đặc biệt đừng dễ dãi chia sẻ chuyện của bản thân cho bất cứ người nào. Tùy vào từng trường hợp mà chúng ta hãy học cách lên tiếng và nói thế nào cho đúng, trường hợp nào cần im lặng một cách khéo léo và thông minh. Sự quan tâm, tính hài hước… luôn được đánh giá cao nếu đi liền với sự khéo léo, tinh tế và “có duyên” một tí. Hơn nữa, khi chúng ta biết cách lắng nghe cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng tối thiểu với người khác.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói: “Huyên náo và tĩnh lặng là hai trạng thái tinh thần khác nhau. Người ta có thể phát bệnh vì tiếng la hét quá độ chứ không bao giờ mệt mỏi vì sự yên tĩnh...”.

HẠNH NGUYÊN TRANG

HẠNH NGUYÊN TRANG