Năng lượng sạch đến với trường học
(QNO) - Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái giúp tiết kiệm điện trong nhà trường nhờ sử dụng năng lượng mặt trời là mô hình thiết thực, ý nghĩa, cần được nhân rộng.
Kỹ thuật viên hỗ trợ vận hành hệ thống điện năng lượng mặt trời. Ảnh: H.L |
Hệ thống điện mặt trời áp mái - sản phẩm từ cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” lần thứ II do Tạp chí Cộng sản, Bộ KH&CN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức vừa được Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) hỗ trợ lắp đặt tại 3 trường học: THCS Lê Quý Đôn (xã Đại Minh, Đại Lộc), THCS Nguyễn Thành Hãn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) và THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Quế Phú, Quế Sơn). Tổng kinh phí 1 tỷ đồng.
Nhiều tiện ích
Tại mỗi hệ thống điện mặt trời áp mái, có tổng cộng 36 tấm pin năng lượng mặt trời Mitsubishi 275Wp của Nhật Bản được lắp đặt trên mái nhà, và 1 thiết bị hòa lưới AE-Solar của Đức có công suất 10kWp. Hệ thống giúp sinh sản ra lượng điện bình quân 46kWh mỗi ngày cho một điểm trường học. Công trình thiết kế có thể chống gió bão cấp 12, chống gỉ sắt và nhà trường có thể theo dõi hoạt động của hệ thống qua website do nhà đầu tư triển khai.
Ông Nguyễn Đức Tuấn Anh - cán bộ phụ trách kỹ thuật Trung tâm Sản xuất thiết bị điện miền Trung (EMEC, trực thuộc EVN CPC) cho hay, mô hình gồm các tấm pin mặt trời giúp hấp thụ bức xạ mặt trời tạo ra dòng điện một chiều, qua bộ chuyển đổi tạo dòng điện xoay chiều hòa lưới phục vụ nhu cầu sử dụng của nhà trường.
Ước tính, một ngày trung bình phát ra 46kWh, góp phần giảm sản lượng điện và tiền điện sử dụng của nhà trường. Vào những ngày nhà trường nghỉ, lượng điện không được sử dụng hết sẽ phát ngược trở lại lên lưới. “Việc sử dụng điện năng lượng mặt trời để giảm thiểu sử dụng năng lượng tài nguyên thiên nhiên, giảm áp lực cấp điện của các hệ thống thủy điện là xu hướng trong tương lai” - ông Anh cho biết.
Hệ thống gồm 36 tấm pin mặt trời được áp mái tại Trường THCS Lê Quý Đôn. Ảnh: H.L |
Đánh giá hiệu quả mô hình sau 1 tháng triển khai thí điểm, thầy Nguyễn Thế Luyện - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, hệ thống bước đầu đem lại nhiều ích lợi, giúp nhà trường chủ động về nguồn điện, giảm bớt gánh nặng tài chính từ việc mua điện hằng tháng. “Từ mô hình hiệu quả vì cộng đồng này, nhà trường sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức sử dụng năng lượng sạch trong tập thể giáo viên và học sinh; cũng như sẽ đầu tư thêm một số trang thiết bị phục vụ việc dạy và học tốt hơn” - thầy Luyện nói.
Trong khi đó, thầy Văn Trường Thành - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thành Hãn cho rằng, mỗi tháng nhà trường sử dụng hơn 1.200 chữ điện, chi phí tiền điện 1,4-1,5 triệu đồng/tháng. Qua hơn 1 tháng triển khai, hệ thống không những giúp nhà trường có được nguồn điện ổn định mà nguồn điện dư dôi không sử dụng hết được phát trở lại lên lưới điện.
“Chúng tôi vui mừng, phấn khởi trước sự hỗ trợ EVN CPC cho nhà trường. Đây là công trình giáo dục trực quan sinh động về xu hướng sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong thế hệ trẻ tương lai. Tuy nhiên, việc sử dụng phát huy hiệu quả của công trình trong thực tiễn là trách nhiệm của tập thể giáo viên, học sinh nhà trường trong thời gian đến” - thầy Thành nói.
Hướng đến nhân rộng
Ông Trần Dũng - Giám đốc EMEC chia sẻ, đến nay đơn vị đã triển khai hàng chục công trình điện năng lượng mặt trời trên toàn quốc và cả nước bạn Lào. Riêng dự án đầu tư điện năng lượng mặt trời cho các tòa nhà điều hành thuộc các điện lực, chi nhánh điện thuộc EVN CPC có tổng giá trị khoảng 114 tỷ đồng. Trung tâm còn sản xuất hàng triệu linh kiện, sản phẩm thiết bị điện năng lượng sạch, hỗ trợ các gia đình, cơ quan, đơn vị triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng sạch từ năng lượng mặt trời.
“Hiệu quả bước đầu mà các dự án tạo ra là rất lớn, không chỉ tạo nguồn điện năng sạch, các dự án còn giúp giảm thiểu hàng nghìn lít CO2 thải ra môi trường, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững”- ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN CPC, việc đưa hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái nối lưới vào các trường học không những giúp tiết kiệm chi phí tiền điện hằng tháng cho nhà trường, mà còn tạo ra được một mô hình ứng dụng năng lượng sạch trực quan, sinh động. Qua đó giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế về năng lượng sạch, giải pháp về nguồn năng lượng của tương lai.
“Dự án đi vào hoạt động bước đầu phát huy hiệu quả, cần duy trì hoạt động và có giải pháp nhân rộng mô hình. Đây là mục tiêu mà EVN CPC và nhiều cơ quan, đơn vị hướng tới. Phía EVN CPC đã triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái nối lưới cho tất cả các tòa nhà là trụ sở các đơn vị trong toàn EVN CPC; đầu tư sử dụng xe ô tô chạy bằng điện kết hợp xây dựng trạm sạc cho xe điện. Đơn vị cũng nghiên cứu chế tạo trạm sạc điện để nhân rộng; hình thành mạng lưới trạm sạc phục vụ xe điện để đón đầu xu hướng phát triển xe điện trong tương lai” - ông Nhân nhấn mạnh.
HOÀNG LIÊN