Cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho khu vực miền núi, vùng đồng bào thiểu số

KỲ DUYÊN 26/05/2018 12:15

Tin liên quan

  • Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội: Mổ xẻ nhiều vấn đề nổi cộm
  • Quốc hội thảo luận Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

(QNO) - Sáng nay 26.5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV tiếp tục bước qua ngày làm việc thứ 6. Các đại biểu tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước. Trên cơ sở này các thành viên Chính phủ cũng giải trình, làm rõ các băn khoăn.

Trong bài phát biểu gửi đến Quốc hội, đại biểu Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Nam - cho rằng Quốc hội, Chính phủ cần tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho vùng nông thôn miền núi, vùng đồng đồng bào thiểu số để rút ngắn khoảng cách.

Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại hội trường sáng 26.5. Ảnh: Kỳ Duyên
Đại biểu Phan Việt Cường - trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam trao đổi với Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội bên ngoài hành lang Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: LÊ DUY MAI

Xây dựng tổng thể chiến lược phát triển cho miền núi

Theo đại biểu Phan Việt Cường, cử tri và nhân dân miền núi cũng đánh giá rất cao các chủ trương, chính sách an sinh xã hội đối với nhân dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số cơ chế, chính sách chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nhìn tổng quan thì miền núi vẫn còn chậm phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, khoảng cách cách chất lượng cuộc sống giữa miền núi và đồng bằng, đô thị ngày càng xa cách.

Đại biểu Phan Việt Cường phát biểu tại hội trường sáng 26.5. Ảnh: Kỳ Duyên
Các đại biểu tại hội trường sáng 26.5. Ảnh: KỲ DUYÊN

Đại biểu Phan Việt Cường nêu ra các lý do dẫn đến các tồn tại trên. Đó là số lượng các chính sách cho miền núi quá nhiều khiến nguồn lực bị phân tán, sự lan tỏa của chính chưa nhiều. Khi chương trình, chính sách kết thúc thì mọi việc “đâu lại vào đó”. Sự khác biệt về địa hình, tập quán sinh sống, văn hóa đòi hỏi chính sách cũng khác nhau trong khi chúng ta vẫn đang áp dụng chung một chính sách cho nhiều vùng là khó khả thi, hiệu quả chưa cao; việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng xuất lao động, phát triển sản xuất cho miền núi vẫn còn những hạn chế nhất định…

Từ thực tiễn này, đại biểu Phan Việt Cường đề xuất nhiều giải pháp. Cụ thể: nghiên cứu xây dựng tổng thể chiến lược phát triển khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước, mỗi khu vực phải có một đề án riêng. Thứ hai là tiếp tục tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm đầu tư kết cấu cho hạ tầng đồng bộ để tạo nền tảng động lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội miền núi để rút ngắn khoảng cách đi lại. “Tôi cũng đề nghị cần có cơ chế khuyến khích phát triển du lịch gắn với các loại hình lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng, làng nghề ở miền núi. Xây dựng các cụm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp không ảnh hưởng môi trường không khí, nguồn nước; sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở những nơi có điều kiện; chế biến sâu hơn với các sản phẩm gỗ rừng trồng, hạn chế xuất khẩu thô, tăng giá trị kinh tế rừng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi tập trung an toàn và kiểm soát môi trường” – đại biểu Cường nêu.

Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương làm “nóng” nghị trường

Phần thảo luận sáng 26.5 đột ngột “nóng” lên khi liên tiếp các đại biểu đề cập đến phiên toà của bác sĩ Hoàng Công Lương. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - ông Bùi Sỹ Lợi khi nhắc đến phiên toà thì cho rằng "có thể bác sĩ Lương vô tội", ông Lợi đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lên tiếng ngay tại hội trường.

Nghe ý kiến của đại biểu Lợi, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) ngay lập tức bấm nút tranh luận, phản biện. Theo vị đại biểu tỉnh Hoà Bình, hiện đã có một số ý kiến gây sức ép, thậm chí là định hướng cho phiên toà vốn đang trong quá trình xét xử.  “Những phát ngôn như vậy là rất cảm tính và không khách quan. Toà án vẫn đang trong quá trình tranh tụng, luận tội, chưa đưa ra phán quyết nào cả, những phát ngôn như vậy thực sự không đem lại thuận lợi cho việc giải quyết đúng đắn vụ án của hội đồng xét xử” – đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói.

Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) bấm nút giành quyền tranh luận lại. Đại biểu Tuấn cho rằng phiên toà xét xử vụ án tai biến do chạy thận nhân tạo ở BVĐK Hòa Bình mà tâm điểm là bị cáo, bác sĩ Hoàng Công Lương đang tập trung sự theo dõi của đông đảo nhân dân, cử tri về sự minh bạch, khách quan, công tâm của toà. "Bởi chúng ta không thể xử một người về trách nhiệm khi họ không được giao trách nhiệm. Chúng ta không thể quy tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi họ thực hiện quy trình mà quy trình đó không có. Chúng ta không thể quy trách nhiệm một bác sĩ khi họ chỉ biết cứu người và làm đúng chức trách...

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng phiên toà xử án bác sĩ Hoàng Công Lương đang thu hút sự quan tâm của dư luận, những thông tin mà đại biểu Quốc hội, báo chí nêu là một kênh để tham khảo và mọi phát ngôn này đều là cần thiết, mọi người đều chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. “Chúng tôi nói và phát biểu với lương tâm của mình, không có chuyện có ai định hướng được, chúng tôi cũng thể hiện quyền đại biểu đã được quy định, tất cả chỉ muốn làm sao đánh giá đúng người đúng tội, cần tôn trọng bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật” - bà Lan nói.

KỲ DUYÊN

KỲ DUYÊN