Một Hoàng Sa giữa lòng Đà Nẵng

THIÊN DI 26/05/2018 08:07

Nhà trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng – một địa chỉ lịch sử cho hôm nay và mai sau sẽ là nơi gặp gỡ, thể hiện tất cả những điều được hiện thực hóa từ tình yêu với Hoàng Sa.

Các em học sinh Trường THCS Hoàng Sa tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: TT
Các em học sinh Trường THCS Hoàng Sa tham quan Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: TT

Cột mốc sinh động

Đây không chỉ là nhà trưng bày đầu tiên ở Đà Nẵng mà còn là duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm này về Hoàng Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc bị chia lìa. Hướng mặt về Biển Đông, nhà trưng bày được xây dựng theo kiến trúc “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” - phỏng theo con triện của vua Minh Mạng. “Vua Minh Mạng đã có chiếu chỉ cử hải đội ra Hoàng Sa. Kể từ đó, việc quản lý Nhà nước của chúng ta tại quần đảo này diễn ra liên tục” - ông Đặng Công Ngữ - nguyên chủ tịch đầu tiên của huyện đảo Hoàng Sa - chia sẻ. Khi chạm tay vào cột mốc đặt ngay chính giữa tòa nhà, ông Ngữ nhắc: “Không chỉ là một nơi lưu giữ tư liệu, cả tòa nhà trưng bày này là cột mốc sinh động, khẳng định Hoàng Sa là của Đà Nẵng – Việt Nam”.

Từng đoàn khách là học sinh, sinh viên, thanh niên đến với nhà trưng bày được người hướng dẫn kể tường tận từng câu chuyện. Đây là tờ bản đồ vẽ xứ Quảng Nam được in năm 1686. Lời chú dẫn trên bản đồ này miêu tả rất rõ địa danh Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi. Còn kia là những trích dẫn sử sách về hoạt động của đội Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn. Rẽ qua một hành lang khác là không gian các tờ châu bản, một loại văn bản hành chính của triều đình nhà Nguyễn còn lưu lại dấu tích bút phê bằng son đỏ của các vua nhà Nguyễn…

Ông Ngữ chậm lời: “Giờ thì những câu chuyện ấy có thể được kể hàng ngày ở đây, trong nhiều năm về sau. Suốt thời gian qua, những người mang trách nhiệm tại huyện Hoàng Sa chúng tôi luôn trăn trở làm sao để hai tiếng Hoàng Sa in sâu vào lòng người dân. Và nay, có được một thiết chế, kéo Hoàng Sa về đất liền đã phần nào thỏa lòng mong đợi của nhân dân”.

Một Hoàng Sa - Việt Nam để thế giới nhìn vào

Cách Nhà trưng bày Hoàng Sa không xa là bờ biển Đà Nẵng, nơi những ngư dân vẫn ngày ngày bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc. Xúc động khi nhìn ngắm những bức ảnh của đồng đội được trưng bày tại đây, ông Trần Văn Sơn – một trong những nhân chứng Hoàng Sa rơm rớm nước mắt: “Tôi may mắn hơn rất nhiều người khi được sống ở Hoàng Sa 3 tháng. May mắn khi còn được trở về gia đình. Nay chỉ cần nhắc Hoàng Sa là tôi lại nhớ đến từng ngụm nước mưa trên đảo, cảnh anh em cùng đi tuần, ngắm từng đàn ốc nhảy. Rất nhớ và xót xa. Đặc biệt là nay nhìn thấy di ảnh của đồng đội được đặt trang trọng tại đây. Câu chuyện về họ được kể lại cho nhiều người Việt Nam và du khách quốc tế. Tôi hy vọng, người Việt sẽ kiên trì, bền bỉ để đưa Hoàng Sa về Tổ quốc”.

Ở nửa bên kia bán cầu, anh Trần Thắng - người góp công sưu tầm và tặng lại cho Đà Nẵng hàng trăm tấm bản đồ cổ trên toàn thế giới về Hoàng Sa không giấu được sự xúc động: “Nhà trưng bày Hoàng Sa dựng lên như thể quần đảo Hoàng Sa nổi lên trên đất Ðà Nẵng. Những thế hệ của chúng tôi không biết Hoàng Sa như thế nào, nay thì mọi người dân Việt Nam đã có thể đến xem và chia sẻ cả niềm vui, nỗi buồn về lịch sử thăng trầm của một phần máu thịt Tổ quốc. Nhà trưng bày Hoàng Sa thuộc về Ðà Nẵng, nhưng sự quan tâm đến Hoàng Sa bao trùm khắp đất nước và lan tỏa ra nước ngoài đến cộng đồng người Việt và người nước ngoài nghiên cứu về Biển Ðông. Những tài liệu về bản đồ trưng bày tại đây vô cùng đa dạng và phong phú từ nhiều quốc gia xuất bản trong suốt 400 năm (1626 – 2008), và đặc biệt là có tính thống nhất là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền quản lý của Việt Nam. Đó là điều mà chúng ta phải để thế giới nhìn vào và hiểu về Hoàng Sa”.

Ông Trương Văn Quảng, nhân chứng từng có nhiều lần đến với Hoàng Sa kỳ vọng: “Cần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ nhiều hơn nữa, cả trong học đường và bên ngoài, như chính tại nhà trưng bày hôm nay, để mọi người đều biết quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Nhà trưng bày Hoàng Sa không phải của riêng Đà Nẵng, của Việt Nam mà phải làm sao để cả thế giới nhìn vào, hiểu rõ lòng yêu nước của nhân dân chúng ta trước đây và ngay hôm nay”. Nhà trưng bày Hoàng Sa - một bảo tàng chuyên đề có thể được xây dựng ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước. Nhưng không có nơi nào phù hợp hơn Đà Nẵng. Bởi khi lịch sử đã giao cho Đà Nẵng thay mặt cả nước liên tục quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thì xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa ngay trên đường Hoàng Sa bên bờ Biển Đông của Đà Nẵng là hợp tình hợp lý...

Tòa nhà mới đi vào hoạt động, nhiều người làm ngành văn hóa Đà Nẵng vẫn đang nghiên cứu, làm sao có thể sớm đặt con thuyền bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đặt giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 vào khuôn viên nhà trưng bày để “có thêm câu chuyện rất mới về Hoàng Sa”. Đến tham quan nhà trưng bày, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng đề xuất: “Tôi mong nhà trưng bày có thể làm thêm chú thích bằng tiếng Trung Quốc để khi khách Trung Quốc đến đây có thể tự đọc, tự hiểu. Người hướng dẫn ở đây cũng cần biết tiếng Trung Quốc để trao đổi với họ”.

THIÊN DI

THIÊN DI