Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội: Mổ xẻ nhiều vấn đề nổi cộm
(QNO) - Phát biểu tại phiên thảo luận kỳ họp Quốc hội chiều 25.5, đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, có nhiều vấn đề liên quan đến y tế, văn hóa, giáo dục nổi cộm thời gian qua cần phải giải quyết.
Kỳ họp lần này diễn ra theo lịch từ 20.5 và kết thúc dự kiến vào 16.6 với nhiều nội dung quan trọng.
Đại biểu Phan Thái Bình phát biểu tại Quốc hội chiều 25.5. Ảnh: KỲ DUYÊN |
“Ngành y tế cần nhìn lại mình”
Đại biểu Phan Thái Bình cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các vấn đề y tế, văn hóa, giáo dục. Tuy nhiên có nhiều vấn đề cần lưu ý như: chương trình quảng cáo truyền thông phản cảm, việc xét tặng giải thưởng văn học mất uy tín…
Theo ông Bình, trong lĩnh vực cấp phép lưu hành sáng tác nghệ thuật vẫn còn nặng nề, hạn chế khả năng sáng tác của các tác giả. Ông Bình cho rằng cái gì không xấu, không trái thuần phong mỹ tục thì cơ quan quản lý nên tạo điều kiện để cởi bỏ tư duy cho văn nghệ sĩ.
Ngoài ra, hiện tình trạng tấn công bác sĩ xảy ra dồn dập ở nhiều nơi, nên cần phải có biện pháp xử lý nghiêm. “Các vụ hành hung hầu hết xảy ra ở bệnh viện công, ở các trường hợp cấp cứu bệnh nhân. Có ý kiến cho rằng người nhà chưa nắm được quy trình cấp cứu. Theo tôi, ngành y tế cần xem lại chính mình hơn là tăng cường lực lượng bảo vệ” - ông Bình đặt vấn đề.
Hội trường Quốc hội. Ảnh: KỲ DUYÊN |
Cũng liên quan đến ngành y tế, theo ông Bình, tình trạng thuốc giả tràn lan như Vinaca đang khiến người dân lo lắng. Thuốc chữa bệnh không như các loại thuốc khác, sự đánh giá của người bệnh là rất khó. Người dân có hoài nghi nhưng phải sử dụng. Trách nhiệm quản lý là thuộc về ngành y tế.
Ông Bình đề nghị ngành y tế cần chấn chỉnh thái độ phục vụ của y bác sĩ, quản lý tốt thuốc. Ngoài ra cần quan tâm công tác nuôi dạy trẻ em, cần đánh giá loại khỏi đội ngũ các giáo viên thiếu đạo đức. Chính phủ cũng quan tâm nhiều hơn đến ngành văn hóa.
Nhiều tồn tại ở ngành nông nghiệp
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, tăng trưởng nền kinh tế đang có những lạc quan, kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 3 năm liên tiếp, cán cân thương mại đều thặng dư... Nhờ vậy dự trữ ngoại hối đạt con số 64 tỷ USD, việc tái cơ cấu ngân hàng đã đảm bảo an toàn ngân hàng và tiền gửi của nhân dân. Năm 2017 đã giảm được bội chi ngân sách dưới 4.000 tỷ đồng, giảm nợ công đáng kể, các tổ chức quốc tế đánh giá cao các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn... của Việt Nam.
Để nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, ông Ngân đề nghị các giải pháp đồng bộ, cụ thể như: cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế theo hướng tăng cường xúc tiến thương mại nội lực, đặc biệt là trong bối cảnh những năm gần đây khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng; hiện hoạt động đầu tư nước ngoài còn nhiều vấn đề cần khắc phục, cần có chiến lược định hướng thu hút FDI ưu tiên các tiêu chí lý lịch của doanh nghiệp; khoảng cách giàu nghèo nước ta đang gia tăng nên cần có chiến lược tổng thể chấn hưng nền nông nghiệp, cần chiến lược đầu tư hạ tầng nông thôn để rút ngắn khoảng cách.
Cùng quan điểm với ông Ngân, đại biểu Hà Minh Tâm (Hà Nam) cũng cho rằng, nền nông nghiệp nước ta đang đối diện quá nhiều thách thức. Đặc biệt là khi thị trường quốc tế đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng nguồn gốc, trong khi sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn mang tính manh mún, chưa có tổ chức.
Bà Tâm đề nghị cần có sự đầu tư tổng thể, mạnh mẽ hơn để hỗ trợ cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng, tổ chức theo chuỗi, bám sát nhu cầu và đòi hỏi của thị trường quốc tế. “Nông nghiệp nông thôn không còn là nơi sản xuất mà còn là nơi cung cấp dịch vụ du lịch, thương mại... Bởi vậy cần đầu tư mạnh mẽ để tổ chức kết nối, tạo đà bật cho nông nghiệp bứt phá” - bà Tâm nói.
Giải đáp các ý kiến liên quan của đại biểu về ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nền nông nghiệp đang đứng trước 2 cái nhất: thách thức lớn nhất và... được quan tâm nhiều nhất. Có nhiều kết quả hết sức nổi bật trong ngành nông nghiệp mà theo ông Cường là nhờ có sự chỉ đạo quan tâm quyết liệt của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận rằng, với con số hơn 8 triệu dân làm nông nghiệp, nền nông nghiệp còn tồn tại quá nhiều vấn đề. Đó là thiếu tổ chức sản xuất, khâu chế biến yếu dẫn đến việc sản phẩm làm ra dưa thừa và giá trị chưa cao; việc quản lý trong đầu vào yếu và thiếu; thị trường bấp bênh; chất lượng hàng hóa thấp; những nút thắt về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ.
Ông Cường cho rằng đây chính là những “yết hầu” của nền nông nghiệp hiện nay. Từ những thực tế này, theo ông Cường, hiện Bộ NN&PTNT, Chính phủ đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Đừng để lửa bùng lên từ đất Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, vấn đề đất đai luôn luôn nóng và hiện nay trở nên nóng nhất. Cứ 100 vụ khiếu kiện thì có tới 99 vụ là liên quan đến đai. Việc giá đền bù thấp, chính quyền làm đền bù không thỏa đáng khiến dân uất ức, đây là điều dễ hiểu. Theo ông Cương, không thể cứ kéo dài mãi tình trạng hàng ngàn mét vuông đất bị thu hồi mà dân không mua nổi 1m2 tái định cư hoặc một căn chung cư để ổn định cuộc sống. “Điều đó chỉ ra rằng thu hồi đất không chỉ là một bài toán kinh tế mà cả là một vấn đề xã hội. Việc thu hồi đất vì quốc phòng thì dân đồng tình. Nhưng việc thu hồi đất giao cho doanh nghiệp thì cần phải thay đổi luật theo hướng doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với dân, tránh trường hợp dân bị thu hồi đất mà không hề biết đã có dự án” - ông Cương nói. Một vấn đề khác cần giải quyết theo ông Cương là việc quản lý đất đai, nhà cửa công sản. Ai cũng biết đất đai là tài sản quý giá của đất nước. Vậy mà thời gian qua việc mua bán đất công sản diễn ra nhan nhản khắp nơi, tài sản nhà nước được cấp không qua đấu giá khiến ngân sách bị thất thoát rất lớn. “Quốc hội, Chính phủ cần tập trung giải quyết câu chuyện đất đai để tránh việc lửa bùng lên từ đất” - ông Cương đề nghị. |
KỲ DUYÊN