Cho và nhận
1. Chương trình văn nghệ giao lưu giữa trẻ khuyết tật với học sinh tổ chức tại các trường học trên địa bàn trong năm học qua nhằm quyên góp, hỗ trợ trẻ khuyết tật ở Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ trẻ thiệt thòi (thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam).
Không ít phụ huynh nghi ngại rằng, con em họ mới học lớp mẫu giáo, thậm chí lớp nhà trẻ, tổ chức văn nghệ để quyên góp, ủng hộ như vậy liệu có phù hợp, dù họ đồng ý rằng lòng nhân ái luôn cần được giáo dục từ nhỏ và từ những việc nhỏ. Một số phụ huynh khác lại băn khoăn, liệu số tiền phụ huynh và nhà trường hỗ trợ có đến đúng địa chỉ, đến đúng mục đích như tinh thần công văn của cấp trên là “hỗ trợ trẻ thiệt thòi” khi mà trung tâm này ở tận Hà Nội, khó có cơ sở để kiểm chứng hoạt động của đơn vị.
Nhưng chương trình giao lưu nêu trên ở các trường học có một điểm chung là hầu hết học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên, những người dự khán đều cảm động khi xem trẻ em khuyết tật biểu diễn, giao lưu. Có em khuyết tật vận động, có em hình dáng khác người, có em nói không tròn vành rõ chữ, có em khiếm thính, khiếm thị nhưng đều cố gắng đem tiếng đàn, lời ca của mình để cống hiến hết mình cho người xem. Một phụ huynh xúc động cho biết, số tiền ủng hộ không nhiều, nhưng quan trọng là con em mình nhận được nhiều từ sự “cho đi” này: ấy là bài học về nghị lực vươn lên trong cuộc sống của những người bất hạnh và sự sẻ chia với những người kém may mắn.
2. Nhiều người, dù không giàu có, vẫn miệt mài làm từ thiện. Một bạn trẻ ở Tam Kỳ chia sẻ, bạn dành nhiều thời gian cho việc thiện do thuở nhỏ, trong lúc khốn cùng nhất, là khi người thân bị đau mà không có tiền đóng viện phí và tiền ăn, gia đình đã nhận được sự giúp đỡ. Từ đó, bạn tâm niệm, sau này sẽ làm việc thiện giống như người đã giúp đỡ mình. Giờ thì, “nghề nghiệp” chính của bạn là nấu cơm, nấu cháo, kêu gọi và hỗ trợ hoàn cảnh ngặt nghèo. Vừa chăm lo gia đình, vừa làm việc thiện, luôn bận rộn, vậy mà bạn thấy vui.
Cũng có nhiều người làm từ thiện bất cứ khi nào họ có thể, chỉ với suy nghĩ, xã hội còn rất nhiều người cần được giúp đỡ, mình giúp được gì cho người kém may mắn thì cố gắng giúp, không suy tính thiệt hơn, không mong được nhận lại. Cũng không ít người quan niệm, làm việc thiện là để tu thân và tích đức cho con cháu. Tuy suy nghĩ này có phần vị kỷ, vì họ “cho đi” là để “nhận lại” nhưng suy cho cùng, biết mở lòng chia sẻ, đã là điều tốt. Dù với mục đích gì, thì việc làm từ thiện, tự thân nó đã có ý nghĩa góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
CHÂU NỮ