Tri ân người có công
Qua 5 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công (NCC) mở rộng trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là hoạt động tưởng nhớ, tri ân, chăm sóc NCC.
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: D.L |
Giải quyết chế độ
Năm 2013, khi Pháp lệnh ưu đãi NCC, Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng sửa đổi, đối tượng thụ hưởng được mở rộng, công việc xác lập, xác nhận hồ sơ cho NCC trở nên cần kíp hơn bao giờ hết. Ngay khi pháp lệnh có hiệu lực thi hành, từ xã, huyện, tỉnh đều vào cuộc mạnh mẽ. Thời gian đầu, bộ phận làm nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn, xác lập hồ sơ làm việc cả ngày lẫn đêm, không kể thứ bảy chủ nhật, nhằm giúp NCC trong tỉnh sớm được hưởng chế độ theo quy định, đặc biệt là Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống.
Theo ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, rất nhiều hội nghị hướng dẫn tổ chức thực hiện đến các ngành, các cấp, nhất là đội ngũ làm công tác chính sách NCC. Công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực NCC đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi gặp mặt, tọa đàm, tổ chức đối thoại về thực hiện chính sách NCC để phổ biến, truyền tải những chính sách NCC tới toàn thể nhân dân. Đồng thời bồi dưỡng kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thương binh xã hội ở các xã, phường, thị trấn trong việc xác lập, thẩm định hồ sơ...
Tổng số đối tượng được xác nhận từ năm 1976 đến nay có hơn 65.400 liệt sĩ, hơn 135.000 thân nhân; hơn 30.500 thương bệnh binh; hơn 45.400 NCC giúp đỡ cách mạng; hơn 11.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; hơn 33.700 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương; hơn 5.900 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... Đặc biệt, toàn tỉnh có 15.039 bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện còn sống 812 mẹ). |
Dù có nhiều áp lực lẫn khó khăn trong rà soát, thẩm định hồ sơ, nhưng sự tập trung cao độ trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC đã mang lại những kết quả đáng mừng.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xác nhận mới cho hơn 17.900 trường hợp liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, đối tượng được hưởng chính sách và phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 6.686 mẹ.
Sau 5 năm, hồ sơ của NCC đề nghị xác nhận mới đã được giải quyết xong, trường hợp tồn đọng vì những vướng mắc đã được báo cáo đến Bộ LĐ-TB&XH cho ý kiến và trả lời rõ cho đối tượng.
Ngoài ra đã khảo sát và lập danh sách 1.170 trường hợp tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng hy sinh, bị thương còn tồn sót do thay đổi cơ chế nên chưa được xác nhận.
Chung tay chăm sóc
Song hành với nhiệm vụ xác lập hồ sơ là nhiệm vụ chăm sóc NCC luôn có vị trí quan trọng. Đặc biệt đối với những Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều đã được nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời bởi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Mẹ Lê Thị Nhãn (sinh năm 1916, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) mới được phong tặng danh hiệu cao quý từ năm 2015. Mẹ Nhãn có 2 con trai là liệt sĩ, khi Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng sửa đổi, mẹ mới có đủ điều kiện được phong tặng. Năm nay đã đi qua cái tuổi “xưa nay hiếm” là mốc 100 tuổi, nhưng mẹ Nhãn vẫn còn khá minh mẫn. Mẹ Nhãn nói: “Chỉ có mỗi tội nặng tai thôi, nên ai nói chi không nghe rõ, chứ mẹ vẫn còn tự tắm rửa, tự giặt đồ mang đi phơi. Nhưng mẹ còn buồn lắm, vì 2 con là liệt sĩ vẫn chưa thấy hài cốt. Rứa nên cứ mỗi lần đám giỗ chung của 2 con vào ngày 27.7 là mẹ lại buồn!”. Nói rồi nước mắt mẹ Nhãn lại rơm rớm.
Tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ luôn là nỗi đau đáu của thân nhân cũng như những người làm công tác này. Nhiều đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã được các đơn vị tổ chức nhưng vẫn chưa thể đưa tất cả liệt sĩ về với quê nhà. Công việc này vẫn đang được tiếp tục.
Trong 5 năm qua, các đơn vị đã tổ chức tìm kiếm quy tập hơn 700 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang liệt sĩ, hơn 100 hài cốt liệt sĩ được đưa vào nghĩa trang gia tộc; di chuyển 598 hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh về nguyên quán của liệt sĩ.
Đến nay toàn tỉnh đã quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ hơn 60 nghìn mộ liệt sĩ, trong đó có nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em của hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước đã công tác, chiến đấu và hy sinh tại chiến trường Quảng Nam và hơn 22 nghìn mộ liệt sĩ được an táng tại nghĩa trang gia tộc.
Ông Lê Sáu cho biết, việc chăm sóc, phụng dưỡng NCC trong toàn tỉnh được thực hiện rất chu đáo trong suốt thời gian qua. Nhiều phong trào như “dâu hiền rể thảo”, nhiều tổ chức, doanh nghiệp nhận đỡ đầu, cấp học bổng cho con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề. Toàn tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho 19.623 NCC, tổ chức điều dưỡng luân phiên và điều dưỡng tại gia đình nhằm chăm sóc sức khỏe cho hơn 96 nghìn NCC... Dù vậy, việc thực hiện chính sách NCC vẫn còn những hạn chế ở cơ sở như xác lập hồ sơ, làm thủ tục không đúng dẫn đến đơn thư khiếu nại; nhiều trường hợp thật sự tham gia kháng chiến nhưng không có giấy tờ gốc nên không đủ điều kiện xác lập hồ sơ xác nhận đối tượng...
DIỄM LỆ