Chú trọng đầu tư khoa học công nghệ

HOÀNG LIÊN 23/05/2018 13:28

Xác định đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) có trọng tâm, trọng điểm là chủ đề được các nhà quản lý, nhà khoa học, các địa phương quan tâm tại hội thảo “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam” mới đây.

Mô hình hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng cây ăn quả tại Phú Ninh. Ảnh: H.Liên
Mô hình hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng cây ăn quả tại Phú Ninh. Ảnh: H.Liên

Đầu tư có trọng điểm

Tại hội thảo “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam”, mục tiêu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho ngành KH&CN, tạo động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững được đặt ra. Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN, bên cạnh phát huy nội lực đồng thời hợp tác trong và ngoài nước, vào 1.2018, trên cơ sở tham mưu của ngành KH&CN, UBND tỉnh đã ký kết chương trình hợp tác với Bộ KH&CN với 18 nhiệm vụ cụ thể thuộc 5 nội dung cơ bản triển khai trong giai đoạn 2018 - 2025.

Bao gồm: xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN hướng vào phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ô tô...; xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường trong chăn nuôi, xử lý rác thải sinh hoạt một cách có hiệu quả; bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên; đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN cho nghiên cứu phát triển và kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam.

Ông Phạm Viết Tích nhấn mạnh để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trên, ngành KH&CN tỉnh sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp chính. Bên cạnh kiện toàn, nâng cao tiềm lực KH&CN, cần đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ, phát triển KH&CN. Sở KH&CN đang xây dựng dự thảo cơ chế, chính sách này và tham vấn ý kiến của các ngành, địa phương, nhà khoa học để sửa đổi, bổ sung, trình UBND tỉnh. “Thời gian qua, chúng tôi trăn trở về cơ chế hỗ trợ các sáng kiến, mô hình, giải pháp hữu ích đạt giải nhưng vẫn chưa có cơ chế tiếp sức để các mô hình, giải pháp trở thành hiện thực, có ích cho sản xuất và đời sống.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, nhiệm vụ đặt ra cho ngành KH&CN tỉnh là tập trung ưu tiên số 1 cho khâu ứng dụng KH&CN phục vụ cải cách thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục về đất đai, xây dựng giải pháp về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng và khoáng sản; ứng dụng mạnh mẽ KH&CN để có được những sản phẩm mang tầm quốc gia và nhiều sản phẩm đặc hữu khác của tỉnh. Cần phải kiện toàn, nâng cao năng lực của Hội đồng xét duyệt đề tài KH&CN, hướng tới lựa chọn đề tài, nhiệm vụ gắn với đời sống, lấy hiệu quả là thước đo, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư cũng như có sự cân đối giữa các nhóm đề tài hợp lý. “Thà làm ít đề tài, nhưng hiệu quả được phát huy còn hơn nhiều mà chưa hiệu quả hay có tình trạng “bỏ ngăn kéo” - Phó Chủ tịch Trần Văn Tân nhấn mạnh.

Việc hỗ trợ đối với lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng cần rõ ràng nhằm tạo đột phá trong sáng tạo” - ông Tích nói. Theo định hướng, ngành KH&CN tiếp tục phát huy cơ chế gắn KH&CN với doanh nghiệp mà trong đó trọng tâm là ô tô, sâm Ngọc Linh, máy kéo nông nghiệp, doanh nghiệp trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa… Ngành sẽ đề xuất tỉnh có cơ chế thương mại hóa sản phẩm, hậu nghiệm thu cụ thể gắn với cơ chế, chính sách KH&CN với cơ chế đặt hàng. “Bất cứ nhiệm vụ, đề tài nào nếu không có cơ quan đề xuất đặt hàng, nếu không xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của các ngành liên quan, không có địa chỉ ứng dụng thì sẽ không được triển khai” - ông Tích nhấn mạnh.

Lấy hiệu quả làm thước đo

Phát biểu tại hội thảo, TS. Ngô Văn Hùng - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ: “Có một thực tế, nghiên cứu thì có nhưng mở rộng, ứng dụng vào thực tiễn thì chưa có, làm tốn kém, lãng phí nguồn lực đầu tư. Đầu tư cho KH&CN cần có trọng tâm, tạo đột phá, không nên dàn trải. Hay như, cần phải tạo sản phẩm chủ lực đa dạng, phong phú về cây sâm, cây dược liệu để tạo động lực thoát nghèo cho miền núi. KH&CN đừng bỏ qua hai chương trình nông thôn mới và giảm nghèo, vốn là hai chương trình mục tiêu trọng tâm của tỉnh” - TS. Ngô Văn Hùng góp ý.

Dược sĩ Đặng Ngọc Phái, nhà khoa học có thâm niên trong nghiên cứu cây sâm và cây thuốc ở vùng Quảng Nam chia sẻ, ngành KH&CN cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu cây giống sâm Ngọc Linh và cây dược liệu đạt chuẩn, tạo nguồn giống với số lượng lớn phục vụ cho người dân trồng nhân rộng. “Vườn sâm giống của nhà nước mỗi năm chỉ cho tầm 100 lon hạt, tương đương với 1.200 cây sâm con, không đáp ứng nhu cầu trồng mở rộng diện tích.

Vì vậy, nhiệm vụ cấp thiết của KH&CN là tạo nguồn giống cũng như công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo tồn nguồn gen quý sâm Ngọc Linh và cây dược liệu, tạo đà phát triển bền vững” - dược sĩ Phái nói. Trong khi đó, một số kiến nghị khác đề cập cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với những tác giả có giải pháp sáng tạo kỹ thuật đạt giải, giàu ứng dụng. Nhất là hỗ trợ về mặt thủ tục, kinh phí đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng người sản xuất bị lợi dụng, ăn cắp bản quyền, gây lãng phí chất xám...

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN