Nghịch lý đầu tư giao thông
1. Cuối tuần qua, Điện Bàn đã tổ chức cuộc họp báo nhằm thông tin rộng rãi đến công chúng vào ngày 22.5 sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất hộ ông Võ Như Ái, bảo vệ thi công đối với 13 hộ ảnh hưởng dự án nâng cấp và mở rộng tuyến ĐT607, giai đoạn 3 lý trình km11+900 - km14+565,62 (cổng Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Nam đến nút giao tuyến ĐH8.ĐB). Có thể khẳng định, UBND tỉnh dành nguồn lực đầu tư nâng cấp tuyến ĐT607 rất xác đáng.
Đây là trục đường huyết mạch vùng đông, kết nối trực tiếp giữa Điện Bàn với TP.Đà Nẵng và Hội An, nhưng quá tải trước lưu lượng phương tiện và “điểm nóng” an toàn giao thông (ATGT). Cuối năm 2015, giai đoạn 3 dự án cơ bản hoàn thành, trừ đoạn km14+279,79 - km14+565,62 (285,83m) vướng mặt bằng. Kinh phí có sẵn mà nhà thầu không thể làm được khiến thiết bị phải “đắp chiếu” nhiều tháng liền. Phản ánh với Sáu Còi, đại diện chủ đầu tư cho hay, Thanh tra tỉnh đã kết luận rõ ràng, các hộ ảnh hưởng cũng nhận đủ tiền và có bản cam kết bàn giao mặt bằng. Đến lúc nhà thầu làm, ông Võ Như Ái và khoảng 13 hộ dân thuộc đoạn km14+200 - km14+421 ra cản trở, hăm dọa, đánh kỹ thuật và công nhân với lý do không chính đáng. Riêng ông Võ Như Ái tiếp tục khiếu kiện, yêu cầu bố trí thêm lô đất tái định cư.
Được biết, từ tháng 10.2017 đến 1.2018, tổ công tác của Điện Bàn đã liên tục mời hộ đối thoại, vận động, nhưng ông Ái kiên quyết không chấp hành. Địa phương dự kiến tiến hành cưỡng chế thu hồi đất hộ ông Ái và bảo vệ thi công vào 2 ngày 25 và 26.1, nhưng sau phải tạm hoãn vì còn phải báo cáo xin ý kiến ngành chức năng và UBND tỉnh. Tại cuộc họp vào ngày 26.3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND thị xã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan (mời Công an Điện Bàn tham gia) rà soát lại hồ sơ, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng của hộ ông Ái và khoảng 13 hộ nêu trên. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định để xây dựng phương án cưỡng chế hoặc bảo vệ an ninh trật tự thi công, báo cáo lãnh đạo Điện Bàn thống nhất để phê duyệt và phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị liên quan có phương án hỗ trợ, trước ngày 10.4.2018 tổ chức thực hiện hoàn thành.
2. Những ngày qua, Sáu Còi liên tục nhận được sự phản ánh của người dân xã Đại Nghĩa nói riêng, của huyện Đại Lộc và các huyện, thị xã lân cận nói chung về tình trạng mất ATGT đoạn qua khu vực chợ Hòa Mỹ. Số là, tuyến ĐT609 đoạn qua địa phận xã Đại Nghĩa bị hư hỏng nặng, chật hẹp vốn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Bắt đầu từ ngày 3.10.2017, phân đoạn km17+610,84 - km19+952,26 qua xã Đại Nghĩa được khởi công nâng cấp, mở rộng.
Nhưng vì thiếu vốn phân bổ, nhà thầu phải tạm ngưng thi công khi tiến độ diễn ra khá trơn tru, người dân đồng thuận bàn giao sớm mặt bằng. Do đó, một số vị trí đang làm dở dang là “cạm bẫy” mất an toàn. Đặc biệt, mặt đường vị trí giao nhau giữa đoạn thi công hoàn thành với đoạn gần như nguyên trạng qua trước chợ vênh nhau dẫn đến tai nạn thường xuyên. Thiết nghĩ, không chỉ có nhà đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) mà Ban ATGT tỉnh, các ngành chức năng liên quan sớm kiến nghị, đề xuất lên UBND tỉnh, HĐND tỉnh có phương án khả thi về nguồn lực để đầu tư hoàn thành công trình, gỡ “điểm nghẽn” về tai nạn giao thông tại đoạn tuyến nêu trên.
SÁU CÒI