Đời còn thơ mãi bén duyên...
Gần 6 năm thành lập, câu lạc bộ thơ Người cao tuổi huyện Thăng Bình đã trở thành sân chơi cho những ai yêu thơ. Trong tập thơ “Hương thời gian” - ấn phẩm được câu lạc bộ xuất bản hàng năm, bằng chính trải nghiệm về tình đời, tình người, hội viên câu lạc bộ không chỉ gửi gắm biết bao trăn trở, khát vọng mà còn có cả những xúc cảm qua từng ngày dõi theo sự đổi thay của quê hương.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ thơ Người cao tuổi huyện Thăng Bình.Ảnh: T.SƯƠNG |
Cụ Đoàn Văn Đức - Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Người cao tuổi huyện Thăng Bình nhớ lại, vào đầu những năm 2000, tại xã Bình Lãnh hay thị trấn Hà Lam cũng đã xuất hiện các hội thơ. Khi ấy, bên chén trà nóng, các hội viên hội người cao tuổi cùng ngâm lên những câu thơ do chính mình sáng tác. Có khi nhiều người cùng đối đáp với nhau mà hình thành nên tứ thơ. Các hội thơ đó ra đời quy tụ những người yêu thơ trong xã và các xã lân cận. Điều gắn kết duy nhất chính là niềm đam mê thơ ca. Nhưng đam mê thôi chưa đủ và bởi nhiều lẽ khác nhau, các hội thơ ấy không duy trì được lâu. Mặc dù hội thơ không còn hoạt động nhưng người cao tuổi trên địa bàn huyện không vì thế mà ngưng sáng tác thơ. Ấp ủ bao năm, đến 2013, Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Thăng Bình chính thức cho ra đời sân chơi thơ của người cao tuổi huyện, với ban chủ nhiệm lâm thời, và dấu ấn là số đầu tiên của tập thơ “Hương thời gian”. “Hương thời gian là sự kết tinh những trải nghiệm, nghĩ suy của người cao tuổi huyện Thăng Bình về quê hương, đất nước, về tình đời, tình người, là tiếng lòng được nói bằng thơ của họ. Đây cũng chính là minh chứng về vai trò của người cao tuổi trong cuộc sống hôm nay “Tuổi cao gương sáng, sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Các cụ sinh hoạt trong câu lạc bộ chủ yếu những người từng trải nghiệm qua nhiều giai đoạn thời cuộc nên sáng tác của các cụ chủ yếu nói lên tiếng lòng qua một thời. Mỗi năm câu lạc bộ tập hợp sáng tác để in thành tập, từ số 1 của năm 2013 đến số 6 của năm 2017 và dự kiến khi đến số 10 chúng tôi sẽ đóng thành tập” - cụ Đoàn Văn Đức chia sẻ.
Thả mình vào “Hương thời gian”, độc giả như được đi qua từng vùng đất, phảng phất trong ấy niềm tự hào của những người đã ở vào tuổi xế chiều. Đó có thể là lời thách đố đáng yêu “Em về Bình Hải quê anh/ Trèo được nổng cát với anh thì về” trích trong “Bình Hải quê tôi”, của tác giả Hoàng Dũng. Hay cũng có thể lời là thì thầm ân tình của tác giả Ngọc Đính trong “Bình Quý quê tôi”: “Bình Quý quê tôi trải dài năm tháng/ Một nắng hai sương sớm tối đi về”. “Hương thời gian” còn là lời tự răn mình của các cụ già, rằng mình phải làm gương cho cháu con: “Đã già thì phải ra già/ Nói năng đối xử tỏ ra đàng hoàng” - “Tâm sự người già” của cụ Thám Anh. Đến tập “Hương thời gian” số 6, ta như nghe thấy từng bước chuyển mình của quê hương trong mỗi vần thơ: “Đường cầu Cửa Đại bắc qua sông/ Mang lại niềm vui vạn tấm lòng/ Phố thị ngóng chờ bao khát vọng/ Nông thôn đón đợi những hoài trông” của tác giả Bùi Nguyễn Long trong “Chiếc cầu nối những bờ vui”.
Sáu mùa “Hương thời gian” đã trôi qua, câu lạc bộ thơ Người cao tuổi huyện Thăng Bình đã là nơi tìm về của bao tâm hồn yêu thơ. Không chỉ hội viên người cao tuổi mà cả những tác giả có độ tuổi trẻ cũng gửi bài về ban chủ nhiệm câu lạc bộ; không chỉ những thi hữu trong huyện mà ở các huyện lân cận cũng đã tìm đến để thỏa niềm đam mê. Và điều mà những người khởi phát như cụ Đoàn Văn Đức phấn khởi là sân chơi bổ ích này đã và đang góp phần gìn giữ, bảo tồn các thể thơ truyền thống; những sáng tác mang hơi hướm ca dao, dân ca của các cụ đã góp phần nhắc nhở cho thế hệ hôm nay không được phép quên một phần hồn của dân tộc.
Đã ở vào dốc bên kia của cuộc đời, dẫu tuổi cao, sức yếu, nhưng những “tấm lòng trong vắt” vẫn “lặng lẽ chắt chiu hương mật cho đời” qua những vần thơ, như niềm chia sẻ: “Đời còn thơ mãi bén duyên/ Khi nào về chốn đào nguyên giã từ”. (Say thơ - Quốc Dũng).
THU SƯƠNG