Cây tầm bóp "thần dược" mọc hoang chữa được nhiều bệnh
(QNO) - Cây tầm bóp ở Việt Nam hầu hết là mọc dại nên nhiều người chưa biết nhiều về công dụng chữa bệnh của chúng.
Mô tả Tầm bóp là một cây thuốc nam quý. Dạng cây thảo mọc hằng năm, cao 50-90cm, phân nhiều cành. Thân cây có góc, thường rũ xuống. Lá mọc so le, hình bầu dục, chia thùy hay không, dài 30-35mm, rộng 20-40mm; cuống lá dài 15-30mm.
Hoa mọc đơn độc, có cuống mảnh, dài khoảng 1cm. Ðài hình chuông, có lông, chia ra từ phía giữa thành năm thùy. Tràng hoa màu vàng tươi hay màu trắng nhạt, có khi điểm những chấm màu tím ở gốc, hơi chia 5 thùy.
Quả mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín màu đỏ, có đài cùng lớn với quả, dài 3-4cm, rộng 2cm, bao trùm lên ở ngoài như cái túi. Hạt nhiều, hình thận, ra hoa kết quả quanh năm.
Thành phần hóa học quả của cây tầm bóp chứa nhiều chất đạm, chất béo, chất xơ, canxi, sắt, vitaminA, vitamin C… cũng chính vì giá trị dinh dưỡng lớn mà những người làm công việc lênh đênh trên sông nước nên ăn để tránh được bệnh Scorbut (do thiếu vitamin C gây ra chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, các vết thâm tím rộng trên da…).
Tác dụng dược lý của rau tầm bóp đó là tính kháng khuẩn antibactérien, chống ung thư anti-cancéreux, chống đông máu anti-coagulant (anticoagulant), chống bệnh bạch huyết anti-leucémique, chống nấm và vi khuẩn antimycobactérienne, chống loại nấm nguyên sinh antimycoplasmique, ( loại vi khuẩn không có vách tế bào ), chống co thắt antispasmodique, chống ung bướu antitumorales, kháng siêu vi khuẩn virus antivirales, hạ đường máu hypoglycémie, hạ huyết áp hypotension ( hạ áp suất động mạch ), điều hòa tính miễn nhiễm immunomodulateur ( điều hòa biến đổi một số tế bào miễn nhiễm hoạt động quá mức immunitaires hyperactifs ), kích thích sự miễn nhiễm immunostimulant.
Chính vì thế từ những năm 2004, các nhà khoa học đã nghiên cứu tại Viện khảo cứu các hợp chất thiên nhiên thuộc ĐH Y khoa Kaohsiung (Đài Loan) về hoạt tính chống ung thư gan của cây Tầm bóp (Physalis angulata) ghi nhận: Các dịch chiết toàn cây bằng nước và bằng ethanol được đánh giá về hoạt tính chống ung thư gan trên các dòng tế bào Hep G2, Hep 3B, PLC/PRF/5, ghi nhận hoạt tính chống ung thư do gây ra hiện tượng tế bào tự hủy (apoptosis) phối hợp với những rối loạn chức năng của các mitochondria nơi màng tế bào bị ung thư. Tác dụng diệt bào này không xảy ra nơi các tế bào gan lành mạnh. Nghiên cứu này được đăng trên Life Sciences số 74 năm đó.
Nhiều người nhầm lẫn cây tầm bóp và cây lu lu. |
Bài thuốc chữa bệnh từ cây tầm bóp
Trị nhọt vú, đinh độc: Dùng 40 – 80gr cây tươi giã vắt lấy nước uống, bã thì dùng đắp hoặc nấu nước rửa vết đau hàng ngày.
Dùng trị viêm họng, khan tiếng, ho khan, ho có đờm đặc, trị tiểu ít, ban đỏ, thủy đậu, bệnh tay chân miệng: Dùng 15 – 30gr cây tầm bóp khô (tươi 50 – 100gr) sắc uống trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày liền.
Trị đái tháo đường: Rễ cây tầm bóp tươi (20 – 30gr) nấu với tim lợn và chu sa, cách 1 ngày dùng 1 lần, uống từ 5 – 7 ngày.
Dễ nhầm cây tầm bóp với cây lu lu
Hiện nay rất nhiều người quan tâm đến việc có mấy loại cây tầm bóp. Và nhiều người cũng nhầm lẫn cây lu lu đực với cây tầm bóp. Trong bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của tác giả giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi, nhà xuất bản Y học Hà Nội 2004, trang 140 thì mô tả loài cây lu lu với những đặc điểm khá chi tiết cũng như công dụng lưu ý.
Lu lu là cây thân thảo cao khoảng 0,5-0,8m, thân cây có thể có nhiều cạnh. Lá mọc đơn, phiến lá hình bầu dục hoặc hình trứng dài 4-15cm, rộng 2-3cm, đặc điểm này rất dễ nhầm lẫn với các loài thuộc chi Tầm bóp (Physalis). Hoa thường mọc thành chùm với tự hoa dạng tán, tự hoa không mọc ra từ nách lá như các loài Tầm bóp (Physalis) mà mọc ra ở phía trên của nách lá. Quả hình cầu thành chùm, khi chín có màu đen. Loài này theo GSTS.Đỗ Tất Lợi nó mọc hoang dại khắp nơi, toàn bộ cây Lu lu đực đều có chứa chất độc Solanin.
Có nhiều sự trùng hợp hoặc nhầm lẫn trong tên gọi Tầm bóp, do vậy loài Lu lu đực này đôi khi vẫn thường được sử dụng trái chín để ăn như một số loài Tầm bóp. Báo cáo của Trung tâm An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Canada (CCOHS) hợp tác Chương trình quốc tế về An toàn hóa chất (IPCS) thì ở quả xanh của loài Lu lu đực chứa nhiều độc tố Solanin hơn cả. Người ta cũng cảnh báo rằng ở lá của nó còn có chứa chất Nitrate. Nếu ăn phải một lượng lớn các quả còn xanh và lá tươi của loài cây này, sau 6-12 tiếng có thể xảy ra các hiện tượng như sốt vã mồ hôi, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, rối loạn hô hấp, buồn ngủ.
Theo giaoducthoidai.vn