Kể chuyện Bác dưới cờ Tổ quốc
Ở huyện miền núi Tây Giang, kể chuyện về Bác Hồ tại buổi sinh hoạt dưới cờ đã và đang là cách làm hay, hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Giang chào cờ trước cột mốc chủ quyền Trường Sa mới xây dựng. Ảnh: ĐÌNH HIỆP |
1. Vào sáng thứ Hai đầu mỗi tháng, tại Quảng trường huyện Tây Giang, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, đảng viên đến từ 16 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện tham gia lễ chào cờ, cùng hát Quốc ca và được nghe kể những câu chuyện hay, giàu ý nghĩa về Bác Hồ, về cuộc sống giản dị mà thanh cao của Người. Tiêu biểu như câu chuyện “Nước nóng nước nguội”, “Tình yêu Bác dành cho những khúc dân ca”, “Từ đôi dép đến chiếc ô tô”, hay câu chuyện “Bác Hồ với chiến sĩ người dân tộc”, “Bát chè xẻ đôi”, “Thời gian quý báu lắm”, “Chú ngã có đau không”... Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tây Giang - Phạm Văn Xứng nói, đây là một trong những đợt sinh hoạt chính trị quan trọng hàng tháng mà Đảng bộ huyện phát động từ năm 2012 nhằm củng cố, bồi dưỡng lý luận chính trị, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên...
Cô giáo Huỳnh Thị Mỹ Trang đến từ Chi bộ Phòng GD-ĐT huyện Tây Giang chia sẻ, vừa rồi khi được chọn tham gia kể chuyện về Bác Hồ trong giờ sinh hoạt dưới cờ của huyện, cô cảm nhận được niềm vinh dự rất lớn. Để kể được câu chuyện hay, có sức lan tỏa và truyền cảm không phải dễ. Sau nhiều lựa chọn, cuối cùng cô Trang quyết định kể câu chuyện “Tình thương của Bác”. Trước khi kể dưới cờ, cô Trang phải đọc đi đọc lại nhiều lần để thuộc cho thật nhuần nhuyễn và tự diễn tại nhà. Câu chuyện kể về 33 học sinh của một lớp học ở Hà Tĩnh bị sát hại trong vụ thả bom B52 của giặc Mỹ năm 1966. Trong câu chuyện thể hiện ngời sáng tình thương của Bác Hồ dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng và vun đắp ngọn lửa quyết tâm dạy tốt - học tốt trong mỗi thầy cô giáo. Chuyện xảy ra đã gần 52 năm, vậy mà giờ nhắc lại qua lời kể của cô Trang khiến người nghe ai cũng cay xè nơi khóe mắt. “Tôi chọn câu chuyện này vì thấy mình còn quá nhỏ bé so với sự gian khổ hy sinh của các thầy cô giáo thời chiến tranh. Những lời động viên thăm hỏi của Bác Hồ đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị nhân văn thôi thúc chúng tôi quyết tâm dạy tốt để xứng đáng với công ơn của Người” - cô Trang nói. Hay như câu chuyện “Nước nóng nước nguội” do đảng viên của Chi bộ Phòng NN&PTNT huyện kể cho ta thấy một cách giáo dục rất đơn giản mà thấu tình đạt lý của Bác. Câu chuyện là bài học quý về cách đối xử giữa con người với con người, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa anh em đồng nghiệp với nhau… Qua mỗi câu chuyện được nghe dưới cờ hằng tháng, mỗi cán bộ, đảng viên của huyện Tây Giang tự soi lại mình, tự nhận ra khuyết điểm để mà tự sửa chữa.
2.Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Huyện ủy Tây Giang, những năm qua, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện tổ chức cho học sinh kể chuyện về Bác trong các buổi chào cờ đầu tuần, tổ chức hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ”. Thầy giáo Nguyễn Thanh Triều - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Giang cho biết, để buổi chào cờ tăng thêm tính uy nghiêm, trang trọng, năm 2017 nhà trường đã vận động được 50 triệu đồng từ nguồn kinh phí đóng góp của phụ huynh, cán bộ, giáo viên để xây cột cờ mang dáng hình cột mốc chủ quyền Trường Sa ngay trong khuôn viên của trường. Vào sáng thứ Hai hằng tuần, học sinh nhà trường trong sắc phục Cơ Tu truyền thống tham gia làm lễ chào cờ Tổ quốc ngay trước cột mốc chủ quyền Trường Sa.
Đúng 7 giờ sáng, trong không khí nghiêm trang, toàn thể giáo viên, học sinh nhà trường hướng về lá cờ Tổ quốc cất lên bài Quốc ca hùng tráng. Tham gia lễ chào cờ, mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh tự nhắc nhở mình về lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu Tổ quốc, bản thân tự phấn đấu, thi đua dạy tốt, học tốt. Và trong mỗi buổi chào cờ không thể thiếu những câu chuyện kể về Bác, nhất là chuyện về Bác với thiếu niên, nhi đồng. Những câu chuyện nhỏ về cuộc đời và sự nghiệp, về đạo đức, lối sống giản dị, về tình yêu quê hương đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các em học sinh kể bằng chất giọng mộc mạc, chân tình, trong sáng và giàu cảm xúc. Hốih Nghiệp (học sinh lớp 8/2) - Liên đội trưởng của trường chia sẻ: “Qua những câu chuyện về Bác Hồ, chúng em càng kính yêu Bác hơn. Tình thương của Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng là vô bờ bến. Chúng em nguyện thi đua học tập, xứng đáng với tình thương và những điều Bác đã dạy”.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang - Nguyễn Anh Tuấn cho hay, năm học 2017 - 2018, phòng tổ chức hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng và hội thi “Tìm hiểu thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ chí Minh” dành cho giáo viên. Các hội thi được tổ chức là cơ hội để thầy cô và học sinh của huyện thắt chặt thêm tình đoàn kết, cùng thi đua làm nghìn việc tốt dâng lên Bác Hồ. Ông Phạm Văn Xứng nói, việc chào cờ và kể chuyện về Bác Hồ của cán bộ, đảng viên, học sinh trên địa bàn huyện là một trong những mô hình hoạt động hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thông qua hoạt động này nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng, cải cách hành chính, thi đua vì sự phát triển của địa phương, đơn vị…
ĐÌNH HIỆP