Chi phí không chính thức
Cụm từ này có thể quá quen với giới doanh nghiệp, nhưng với người dân thì có vẻ xa lạ vì hơi... “sang”. Chi phí không chính thức mà người dân phải tốn khi thực hiện các thủ tục hành chính thường theo kiểu dễ hiểu hơn là tiền bồi dưỡng, lót tay. Gần đây nhiều người có vẻ chịu chi cho khoản này bởi họ không có nhiều thời gian, cần nhanh, gọn, hiệu quả khi thực hiện các thủ tục hành chính. Một người thường giao dịch bất động sản tâm sự, việc thực hiện các thủ tục giấy tờ rất đơn giản, sau khi nộp hồ sơ, chừng nào xong cán bộ alo là tới lấy, tất nhiên là tìm cách bồi dưỡng cho họ mấy đồng uống nước. Chị nói điều này là bình thường thôi, họ làm nhanh, nhiệt tình thì chi chút ít cũng chẳng sao.
Tuy nhiên, cũng có nhiều tình huống không được thuận lợi và vui vẻ như vậy. Chẳng hạn ông bạn hàng xóm của tôi thực hiện tách bìa đỏ, cách đây mấy ngày gọi điện nhờ vả có quen biết ai phụ trách lĩnh vực này thì giúp giùm bởi giấy hẹn của anh có hạn là ngày 8.3 nhưng hơn 2 tháng qua bìa đỏ vẫn chưa có. Khi cán bộ phụ trách lĩnh vực này xuống nhà đo đạc, anh đã bồi dưỡng 1 triệu đồng nhưng khi gọi điện hỏi thì câu trả lời của cán bộ này vẫn y như cũ là “sếp chưa ký”. Hay như chuyện một ông hàng xóm khác của tôi, từng bực dọc vì đã thực hiện hết các thủ tục xin mở tuyến vận tải hành khách mới, hai Sở GTVT Quảng Nam và Đà Nẵng đã quyết định, thông báo tuyến nhưng chờ cái lệnh của huyện không thôi mà phải mất gần 3 tháng trời, mặc dù cũng phải lo chi phí không chính thức.
Quảng Nam được đánh giá là địa phương có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thời gian qua nhưng theo nhìn nhận vẫn chưa tạo bước đột phá mạnh mẽ. Năm 2017, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) sụt đến 20 bậc, trong khi nhiều chỉ số thành phần PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) vẫn giẫm chân tại chỗ đã làm nhiều người ngạc nhiên, lo ngại. Chi phí không chính thức là chỉ số thành phần trong PCI, năm 2017 đạt 5,53 điểm, được đánh giá là tăng điểm nhưng chưa thật sự khả quan, còn thấp so với nhiều tỉnh, thành khác. Trong khi đó, theo kết quả một cuộc điều tra của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, có đến 65% doanh nghiệp cho biết phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức; 45% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ, thanh tra kiểm tra. Đặc biệt, 54% doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí không chính thức là điều bắt buộc để trúng thầu... Để tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, chính quyền tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành rà soát, đánh giá thật cụ thể về các chỉ số thành phần còn thấp trong PCI và PAR INDEX để tìm cách khắc phục, cải thiện. Có thể khi rà soát sẽ tìm ra những “lỗi kỹ thuật” trong từng lĩnh vực cụ thể để cải thiện các chỉ số thành phần. Riêng với chi phí không chính thức, nhiều người cho rằng do “không chính thức” nên sẽ có muôn hình vạn trạng, rất khó để cải thiện và phải cần đến... những cán bộ có tâm.
C.B.L