Cán bộ kiểm lâm đột ngột xin nghỉ việc: Theo đề án tinh giản biên chế
Giai đoạn 2017 - 2021, để giảm bớt đội ngũ kiểm lâm đã lớn tuổi, kiểm lâm không đủ sức lao động (theo tinh thần Nghị định 108 ngày 20.11.2014 của Chính phủ), cơ quan kiểm lâm đã đưa ra lộ trình cho cán bộ nghỉ việc, phân kỳ thời gian nghỉ việc. Tuy nhiên, tình trạng nhiều kiểm lâm xin nghỉ việc trong thời điểm chính quyền tỉnh đang quyết liệt “làm sạch” bộ máy trực tiếp tham gia bảo vệ rừng đã tạo ra nhiều hiệu ứng trái chiều.
Nhiệm vụ bảo vệ rừng không chỉ cần cán bộ kiểm lâm có chuyên môn mà cần sức khỏe đảm bảo. Ảnh: TRẦN HỮU |
Không bất thường
Chi cục Kiểm lâm tỉnh thống kê, thực hiện Nghị định 108, ngày 20.11.2014 của Chính phủ, theo đề án tinh giản biên chế của đơn vị, giai đoạn 2017 - 2021, có 47 cán bộ kiểm lâm (biên chế cán bộ, biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và lao động hợp đồng được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật) đăng ký nghỉ hưu trước tuổi. Trong đó, 2 năm (2017 - 2018) có 16 người đăng ký. Đáng chú ý trong quý I.2018, có ít nhất 10 trường hợp làm đơn nghỉ hưu trước tuổi. Tháng 4.2018, kiểm lâm viên Trần Chính Phước (công tác tại Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Đắc Mi) viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, do sức khỏe yếu không thể đảm đương được nhiệm vụ được giao, dù năm nay ông mới 55 tuổi. Tương tự, trước cơ cấu lại việc làm, tinh giản biên chế ngành, đầu tháng 5.2018, ông Phạm Văn Quyền - chuyên viên Chi cục Kiểm lâm cũng có đơn gửi cơ quan có thẩm quyền xin nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của Nghị định 108, tuy ở tuổi 55. Theo ông Phước, ông Quyền, sau khi nghiên cứu về chế độ bảo hiểm xã hội, lương hưu nên mới quyết định trình đơn xin nghỉ trước tuổi. Việc này cũng phù hợp với lộ trình tinh giản biên chế cũng như sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy tổ chức cơ quan kiểm lâm.
Giải thích về cán bộ dưới quyền đột ngột xin nghỉ việc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phan Tuấn cho rằng, đó là việc bình thường. Lý do chủ yếu như sức khỏe không đảm bảo, áp lực về trách nhiệm giữ rừng nặng nhọc đòi hỏi có sức khỏe. Đồng thời cũng phù hợp với đề án tinh giản biên chế của ngành theo tinh thần Nghị định 108 của Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thông tin thêm, từ năm 2016, địa phương đã chủ trương vận động những cán bộ kiểm lâm không đủ điều kiện sức khỏe, đáp ứng công việc thì xin nghỉ. Khảo sát thì có 40% số lượng cán bộ kiểm lâm tuổi đã lớn và không đảm bảo sức khỏe, “đuối sức” nếu bám rừng. Gần đây có xảy ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng. Áp lực về rừng ngày càng tăng nên cán bộ kiểm lâm thấy không đủ năng lực sẽ xem xét giải quyết cho nghỉ theo chế độ. Không có chuyện nếu dính dáng tiêu cực tiếp tay phá rừng nghỉ việc sẽ thoát được nạn.
Trước đó, ngày 6.4, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm đề nghị các cán bộ công chức, viên chức trong ngành nếu xét thấy không đủ năng lực, sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ thì nên đăng ký nghỉ hưu trước tuổi theo quy định hiện hành hoặc xin chuyển sang công tác khác phù hợp hơn. Bởi vậy, trước 10 trường hợp cán bộ kiểm lâm làm đơn nghỉ việc trong quý I.2018, lãnh đạo tỉnh khẳng định, đó là chuyện rất bình thường.
Kiện toàn lực lượng kiểm lâm
Thiếu lực lượng kiểm lâm địa bàn Theo quy định về quản lý hệ thống rừng đặc dụng thì định mức biên chế tối đa 500ha có một công chức kiểm lâm. Hiện nay, kiểm lâm địa bàn của tỉnh bố trí theo xã, không quy định diện tích rừng tối thiểu để bố trí kiểm lâm địa bàn. Một số xã có diện tích rừng rất lớn nhưng chỉ được bố trí 1 kiểm lâm địa bàn. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, lực lượng kiểm lâm địa bàn hiện còn thiếu. Quảng Nam có 170 xã nhưng mới chỉ có 70 cán bộ chuyên trách, còn lại một số thì kiêm nhiệm. |
Nhận thấy bất cập trong công tác quản lý rừng, nên ngành nông nghiệp đang tích cực rà soát, sắp xếp lại lực lượng để tăng cường cán bộ kiểm lâm trẻ đưa về cơ sở. Cùng với đó là tinh giản bộ máy quản lý, đồng thời tăng cường lực lượng kiểm lâm đảm bảo mỗi xã có 1 kiểm lâm địa bàn theo quy định. Tại cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các ngành, địa phương liên quan đánh giá lại thực trạng tổ chức bộ máy các lực lượng quản lý bảo vệ rừng cũng như công tác giao khoán bảo vệ rừng lâu nay. Xây dựng đề án củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung chủ yếu trên địa bàn 6 huyện miền núi cao theo hướng quản lý bảo vệ rừng theo ranh giới hành chính cấp huyện. Quan điểm của tỉnh là sẽ tách các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý theo lưu vực, liên huyện hiện nay thành các ban quản lý theo từng huyện, trực thuộc UBND huyện. Tổ chức lại các hạt kiểm lâm trong các khu rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng trên địa bàn mỗi huyện chỉ tổ chức 1 hạt kiểm lâm, thực thi pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn huyện, không phân biệt trong hay ngoài lâm phận các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Bố trí đủ ít nhất mỗi xã một kiểm lâm địa bàn (những xã có diện tích rừng tự nhiên lớn có thể bố trí tăng thêm kiểm lâm địa bàn). Kiểm lâm địa bàn thuộc biên chế của hạt kiểm lâm nhưng biệt phái về làm việc tại UBND xã, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch UBND xã.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều địa phương và ngành nông nghiệp, tuy hình thức giao khoán rừng ở các mô hình quản lý có điểm mạnh - yếu khác nhau, nhưng thực tiễn cho thấy, cần mạnh dạn thay đổi hình thức giao khoán bảo vệ rừng từ nhóm hộ sang giao khoán cho cộng đồng thôn, bản. Cộng đồng thôn, bản xây dựng hương ước về bảo vệ rừng, phát huy vai trò người có uy tín và thành lập các đội tuần tra bảo vệ rừng gồm những người đủ sức khỏe, có tâm huyết, hưởng tiền nhận khoán bảo vệ rừng, có trang phục, phương tiện, công cụ thống nhất. Kiểm lâm địa bàn cùng cán bộ lâm nghiệp xã chịu trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ, theo dõi, đôn đốc, tham gia tuần tra và đánh giá hiệu quả công việc của các đội tuần tra. Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trước tình hình mới, cán bộ kiểm lâm phải có chuyên môn và đủ sức khỏe. Vì vậy, đã đến lúc phải tổ chức lại lực lượng theo hướng nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Chính quyền nhiều huyện miền núi cao và “chủ rừng lớn” gồm các ban quản lý rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn từng đề xuất chuyển một số diện tích sang hình thức giao khoán cho cộng đồng.
TRẦN HỮU