Góp ý dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học: Cần đánh giá đúng vai trò, vị trí nhà giáo
Hôm qua 16.5, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Hai nội dung nhận được sự quan tâm của đại biểu là sách giáo khoa và chính sách đối với nhà giáo.
Giáo viên giỏi hay cán bộ quản lý trường học giỏi khi được điều động về phòng GD-ĐT hay Sở GD-ĐT sẽ chịu thiệt thòi là một bất cập kéo dài song chưa được điều chỉnh. |
Giáo viên thẩm định sách giáo khoa
Thầy Nguyễn Đình Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) đồng tình với chủ trương mỗi môn học có nhiều chương trình, sách giáo khoa (SGK) sắp được triển khai tới đây, thậm chí các tổ chuyên môn trường học vẫn có thể biên soạn để giảng dạy. Tuy nhiên, dẫn chứng thực tế 2 năm vừa rồi Bộ GD-ĐT tổ chức thi trắc nghiệm nhưng thực tế SGK không có bài tập nào về trắc nghiệm dẫn đến giáo viên, học sinh (HS) lúng túng, thầy Tiến đề nghị việc biên soạn SGK phải làm sớm để các thầy cô, HS và phụ huynh tiếp cận trước. Cạnh đó, vấn đề ai là người thẩm định các bộ SGK cũng phải chỉ rõ, vì sẽ có nhiều nhà xuất bản khác nhau, để phụ huynh, nhà giáo an tâm khi chọn lựa, tránh trường hợp SGK không được thẩm định đúng dẫn đến bị thu hồi, ảnh hưởng đến việc dạy và học.
Liên quan đến vấn đề thẩm định SGK, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Duy Xuyên - Lê Trung Thiêng băn khoăn khi dự thảo Luật Giáo dục quy định tỷ lệ giáo viên tham gia hội đồng thẩm định chương trình, SGK chỉ chiếm khoảng 30% là không hợp lý. “Người trực tiếp sử dụng SGK là người thầy. Thực tế trước đây nhiều hạt sạn không được phát hiện do người làm công tác quản lý tham gia thẩm định chứ không phải người thầy trực tiếp đứng lớp. Vì vậy, cần quy định tỷ lệ người thầy trong hội đồng thẩm định SGK tăng lên hơn 50%” - ông Thiêng đề xuất.
Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng, không chỉ tăng lên hơn 50% người trực tiếp giảng dạy tham gia hội đồng thẩm định chương trình, SGK mà còn có thể lấy ý kiến của GV các địa phương. Ngoài ra, SGK cũng phải điều chỉnh nội dung phù hợp cho từng vùng miền. Chẳng hạn, HS miền núi, người dân tộc thiểu số không thể học bộ SGK tiếng Anh như HS đồng bằng mà cần chắt lọc, lược bỏ bớt.
Người quản lý cũng là nhà giáo
Liên quan đến công tác tuyển dụng giáo viên, Phó Trưởng phòng GD-ĐT Duy Xuyên - Lê Trung Thiêng dẫn chứng một trường hợp vi phạm tại địa phương mà chỉ có hình thức kỷ luật là đuổi việc. Nhà trường tham mưu cho phòng và phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định kỷ luật. Cô này kiện lên UBND tỉnh và tỉnh ra văn bản cho rằng huyện làm sai, thẩm quyền kỷ luật thuộc trường. Cuối cùng không thể xử lý kỷ luật được vì trường đâu có tuyển dụng. Từ đó, ông Thiêng cho rằng quy trình tuyển dụng rồi xử lý kỷ luật con người hiện nay không rõ ràng. Việc tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS các huyện vừa qua của tỉnh khi cho đăng ký theo trường là không hợp lý, bởi xuất hiện trường hợp người điểm cao rớt, nhưng người điểm thấp trúng tuyển, theo đó cần phải tuyển dụng theo cách “bó đũa chọn cột cờ”. |
Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Phó Trưởng phòng GD-ĐT Duy Xuyên - Lê Trung Thiêng nêu vấn đề, để được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý trường học (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), nhà giáo phải phấn đấu đạt danh hiệu GV giỏi trong một thời gian. Sau khi trở thành hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, phải có năng lực chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm mới tiếp tục được điều chuyển lên phòng GD-ĐT. Tuy nhiên, quy định hiện nay trưởng phòng phụ cấp chức vụ chỉ 0,3, còn phó phòng 0,2, ngang bằng với tổ trưởng chuyên môn của trường và không còn được coi là nhà giáo. Theo ông Thiêng, như vậy một nhà giáo phấn đấu suốt cả cuộc đời để cuối cùng không còn được xem là nhà giáo thì sẽ rất thiệt thòi. Ông Lương Đức Hiền - Phó phòng GD-ĐT Đại Lộc cũng nhìn nhận, hiện nay chưa đánh giá đúng vai trò, vị trí của nhà giáo, nhất là những người chuyển sang làm công tác quản lý.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc kiến nghị đưa vào luật việc quản lý, tuyển dụng con người nên giao cho ngành GD-ĐT chủ trì, cấp huyện là phòng GD-ĐT, cấp tỉnh là Sở GD-ĐT như quy định của Nghị định 115. Về đội ngũ nhà giáo, ông Quốc cho rằng, sự bất hợp lý, chua xót vô cùng hiện nay không phải là chế độ phụ cấp, tiền lương thấp khi chuyển từ giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng sang làm ở phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT mà là chính danh nhà giáo. Vì vậy, đề nghị luật quy định nhà giáo là những người làm công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn và trực tiếp giảng dạy. Cũng theo ông Quốc, ngành GD-ĐT hiện nay chịu áp lực lớn trước yêu cầu đổi mới, vẫn còn bất công trong vấn đề đầu tư giữa trường công và trường tư; việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục dù được quan tâm song chưa đáp ứng nhu cầu, vấn đề thừa - thiếu giáo viên. Giáo dục phổ thông, đại học chưa thật sự an tâm về chất lượng; công tác phân luồng, xã hội hóa giáo dục còn nhiều điều đáng bàn.
XUÂN PHÚ