Nắm bắt dư luận xã hội

VINH ANH 16/05/2018 14:32

Sáng qua 15.5, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề “Nâng cao chất lượng công tác nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước”, nhằm tăng cường vai trò cầu nối của Mặt trận trong việc phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VINH ANH
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VINH ANH

Phân biệt dư luận với  tin đồn

Hiện nay, Mặt trận các cấp tổ chức nắm bắt dư luận xã hội chủ yếu qua các kênh: tiếp xúc cử tri, qua đội ngũ cộng tác viên, các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, sinh hoạt nhân dân, tiếp công dân, giám sát, phản biện xã hội. Bên cạnh đó, để nắm bắt kịp thời dư luận xã hội, Mặt trận các cấp còn tranh thủ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các vị già làng trưởng bản, người có uy tín, các vị chức sắc các tôn giáo; qua kênh báo chí… Thông qua các kênh nêu trên, định kỳ hàng quý và đột xuất, Mặt trận tổng hợp, xây dựng báo cáo tình hình tâm tư, nguyện vọng của nhân dân phản ánh với cấp ủy, chính quyền và Mặt trận cấp trên. Từ năm 2015 đến nay, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã tổng hợp, xây dựng được 256 báo cáo với 2.771 ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Qua việc nắm bắt dư luận xã hội, góp phần thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Đồng thời nâng cao hiệu quả việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thái Bình thừa nhận việc nắm bắt dư luận xã hội của Mặt trận vẫn chưa sâu sát, kịp thời. Nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận ở một số địa phương chậm phát hiện, báo cáo sớm, dẫn đến chưa chủ động đề ra các giải pháp để giải quyết những bức xúc nảy sinh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngay tại cơ sở. Điều này một phần do trình độ, kỹ năng của đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội còn hạn chế nên thực hiện phân tích, tổng hợp ý kiến của nhân dân đôi khi chưa phản ánh đúng nguyện vọng ban đầu. Về vấn đề này, đại diện Mặt trận huyện Đại Lộc cho biết, có trường hợp cộng tác viên dư luận xã hội không gần dân, không bám sát thực tiễn mà đem ý chủ quan của mình để áp đặt lên dư luận xã hội. Đồng thời có số ít cộng tác viên chưa phân biệt rõ ràng như thế nào là dư luận xã hội, thế nào là tin đồn; có trường hợp lấy kiến nghị của cử tri tổng hợp vào dư luận xã hội. Ở một vài địa phương có một số “vấn đề”, có sự kiện tạo dư luận xã hội mà huyện đã nắm được nhưng xã lại không nắm và không báo cáo, như vấn đề ảnh hưởng môi trường do các nhà máy gây ra, vấn đề khai thác cát trái phép…

Tăng vai trò giám sát và phản biện

“Tôi cho rằng Mặt trận phải theo dõi tới cùng việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, thì việc nắm bắt dư luận xã hội qua hoạt động tiếp xúc cử tri mới hiệu quả. Công tác nắm bắt dư luận xã hội rất quan trọng, là thước đo đánh giá vai trò của tổ chức Mặt trận. Do đó, thời gian tới Mặt trận tỉnh sẽ tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kỹ năng, nâng cao năng lực nghe, phân tích, dự đoán, gợi mở,… cho cán bộ Mặt trận và đội ngũ cộng tác viên nắm bắt dư luận xã hội”.
(Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca)

Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, tiếp xúc cử tri là một trong những kênh quan trọng để Mặt trận nắm bắt dư luận xã hội, tuy nhiên do chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các đợt tiếp xúc chưa đảm bảo đã khiến người dân dần mất niềm tin. Trong khi đó, thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, Mặt trận mới chỉ dừng ở việc tổng hợp, phản ánh kiến nghị của cử tri mà chưa có sự giám sát, theo dõi. Ông Võ Nễ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An cho biết, hiện người dân rất ít tham dự tiếp xúc cử tri, nguyên nhân là vì những kiến nghị, phản ánh ít được giải quyết thấu đáo. Nhiều vấn đề, cử tri kiến nghị nhiều lần mà không giải quyết khiến họ chán nản, mất niềm tin vào tiếp xúc cử tri, vào việc tổ chức của Mặt trận. “Theo tôi, để nắm bắt dư luận xã hội tốt thì cần coi trong công tác đối thoại nhân dân, giải quyết những vấn đề nảy sinh, không để kéo dài dẫn đến điểm nóng” - ông Nở nói.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, ông Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho rằng, với nhiều kênh thông tin, nhất là từ báo chí và mạng xã hội thì việc nắm bắt dư luận xã hội hiện nay không quá khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nắm bắt như thế nào và Mặt trận nên quan tâm điều gì. Theo ông Nhi, Mặt trận nên xác định rõ những chủ đề cụ thể để nắm bắt dư luận qua các kênh thông tin. Đó là vấn đề liên quan về chính sách sát sườn với đời sống nhân dân, chẳng hạn như các dự án đầu tư xây dựng, vấn đề đầu tư phát triển sản xuất, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, xung quanh việc quản lý, bảo vệ tài nguyên… Liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri, ông Lê Văn Nhi kiến nghị, Mặt trận cần phối hợp nghiên cứu, đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri thiết thực và hiệu quả hơn. Trong đó, Mặt trận không chỉ dừng lại ở việc tổ chức và tổng hợp ý kiến, kiến nghị, mà cần chú trọng đến việc giám sát và phản biện xã hội.

VINH ANH

VINH ANH