"Tuyển chọn cán bộ hãy dùng tranh cử thay cho sắp đặt"
(QNO) - Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh bài phỏng vấn trên Báo Tuổi Trẻ online: Không tranh cử thì giống muôn loài không qua chọn lọc tự nhiên, tất sẽ thoái hóa.
Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: VIỆT DŨNG |
* Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhận định việc chọn đội ngũ cán bộ - nhất là cấp chiến lược diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tức là chọn người đứng đầu tốt thì cả hệ thống sẽ tốt. Cấp trưởng tốt sẽ chọn cấp phó tốt, cấp trưởng không tốt khó chọn cấp phó tốt. Vậy theo ông, làm thế nào để chọn được người đứng đầu tốt?
- Người đứng đầu bao giờ cũng quan trọng nhất trong xây dựng bộ máy. Chúng ta đã có không ít bài học về việc bố trí người đứng đầu không đúng dẫn đến hậu quả thế nào.
Để chọn được người đứng đầu tốt thì trước tiên, những người có trách nhiệm chọn phải tốt, công tâm, trong sáng, vì việc chung của dân của nước, không bị mua chuộc, tiêu cực hối lộ, không bán chức để lấy tiền, không lợi dụng quyền hạn để sắp đặt bà con, đệ tử, cánh hẩu… không đủ tài đức nắm giữ những công việc và chức vụ quan trọng.
Mặt khác, phải có cơ chế tốt trong việc chọn người, công bằng, dân chủ và minh bạch. Phải xây dựng môi trường công luận lành mạnh, có tính chiến đấu cao trong đấu tranh chống tiêu cực, tạo sức đề kháng của cơ thể xã hội, xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực.
* Hội nghị Trung ương 7 đặt vấn đề bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương để tránh tình trạng ràng buộc, cả nể, ban phát, xin - cho quyền lực vì tâm lý "con cháu mình thế nào, bạn học mình nhờ giúp ra sao…". Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nguồn lãnh đạo tại chỗ sẽ hiểu rõ tình hình, truyền thống địa phương, dễ tạo sự đồng thuận, ủng hộ hơn…
- Tất nhiên cách nào cũng có hai mặt, nhưng trong tình hình cụ thể thì so sánh để chọn phương án tốt hơn.
Tôi ủng hộ chủ trương của Trung ương bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương.
Ngày xưa có thời kỳ nước ta có Luật Hồi Tỵ - quy định không bố trí quan đứng đầu địa phương là người tại chỗ (địa phương) và cấm bổ nhiệm người nhà của quan đứng đầu địa phương ở nơi vị quan ấy công tác.
"Một cán bộ đã quen biết tình hình ở một nơi, nay chuyển đến nơi khác đòi hỏi phải tìm hiểu, nghiên cứu để có chủ trương phù hợp, nghĩa là phải năng động hơn, tránh lối mòn đã có. Mặt khác, kinh nghiệm thực tế ở nơi này có thể tham khảo cho nơi khác, phong phú hơn. Cách này cũng sẽ góp phần hạn chế tệ nạn cục bộ địa phương".(ông Vũ Ngọc Hoàng) |
Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bố trí nhiều cán bộ ở nơi này làm bí thư nơi khác, giúp phong trào cách mạng phát triển đều khắp, đồng thời tạo ra đội ngũ cán bộ hiểu biết tình hình thực tế ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, cần nhiều biện pháp khác nữa chứ không thể có bài thuốc vạn năng. Dù bí thư không phải là người địa phương, vẫn cần tranh cử thực chất, từ 2-3 người chọn lấy một.
Dùng tranh cử thay cho sắp đặt. Không có tranh cử thì giống như muôn loài không qua chọn lọc tự nhiên, tất sẽ thoái hóa.
Sau ít năm thực hiện việc bố trí bí thư không phải là người địa phương, nên tiếp tục nghiên cứu cách làm này với chức danh chủ tịch UBND.
Theo nghĩa nào đó, về mặt hành chính, chủ tịch mới đúng là quan đứng đầu địa phương. Bí thư sau này nên gắn với việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, là người đại diện cho các giá trị chứ không phải là người đứng đầu quyền lực ở địa phương.
* Để đánh giá cán bộ, ngoài việc xây dựng cách đánh giá đa chiều, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên…, có nước còn thành lập các tổ đi đến các tỉnh thành, cơ quan để thu thập thông tin. Trong điều kiện Việt Nam, để đánh giá cán bộ, liệu có cần thực hiện thu thập, khảo sát thông tin, đặc biệt là khảo sát nhân sự trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử?
- Có thông tin nhiều chiều, chuẩn xác, đầy đủ, minh bạch về cán bộ trước khi bổ nhiệm là việc rất cần.
Cơ quan có trách nhiệm về công tác nhân sự nên có những người (cán bộ, cộng tác viên) giàu kinh nghiệm, tâm huyết với công việc và công tâm, trong sáng, được phân công đi khảo sát để lắng nghe ý kiến của nhân dân và của các cơ quan hữu quan đánh giá về các nhân sự sắp bổ nhiệm.
* Vừa qua, nhiều vụ "quan lộ thần tốc" được phanh phui, nhiều người được bổ nhiệm gấp rút vào những vị trí quan trọng mà chưa hề qua thử thách, chỉ đơn giản vì là "con ông cháu cha". Tuy nhiên, đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp - nhất là cấp chiến lược - lần này vẫn đặt ra cơ chế phát hiện, quy hoạch cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực vượt trội vào các vị trí lãnh đạo, kể cả vượt cấp. Theo ông, để thực hiện, cần giám sát ra sao để tránh tình trạng "đúng quy trình, nhưng không đúng cán bộ" như những vụ việc vừa qua?
- Rất nên, rất cần có biện pháp và cách làm hiệu quả nhằm sớm phát hiện được nhân tài từ khi còn trẻ, tạo điều kiện để bồi dưỡng họ, để họ xuất hiện thông qua thực tế công việc được kiểm nghiệm, và đề bạt vượt cấp. Phải làm vậy để có cán bộ chiến lược tài năng cho đất nước.
"Chọn nhân tài trẻ là công việc rất khoa học, không dễ dàng và đơn giản, không khéo lại bị lợi ích nhóm xen vào, người ta lợi dụng một chủ trương đúng để dùng phế phẩm thay cho sản phẩm chất lượng cao. Cuối cùng vẫn không thấy nhân tài đâu, mà lại đề bạt nhầm người, tai hại vô kể".(ông Vũ Ngọc Hoàng) |
Trước nhất, những người đi phát hiện cán bộ chiến lược phải có đầu óc chiến lược. Tiếp đến, phải làm rõ, phải hiểu cho được thế nào là biểu hiện của triển vọng nhân tài.
Có thể có nhiều biểu hiện nhưng theo tôi, nhất thiết họ phải là người có tư duy độc lập, có chính kiến và bản lĩnh, không phải là người "gọi dạ bảo vâng", "ăn theo nói leo"... Người có chính kiến lại hay nói những lời "nghịch nhĩ" mà lãnh đạo khó ưa, khiến người có dụng ý xấu dễ lấy đó mà quy chụp và trù dập.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì Nguyễn Trãi và Ngô Thì Nhậm từng nói đại ý rằng: Nhân tài có thể đang ở trong hàng quan nhỏ, ở bìa rừng và đồng nội, và họ không đem ngọc bán ra.
Họ có những suy nghĩ độc lập, có thể khác với những suy nghĩ của thánh thượng và có những lời nói thẳng - chứ họ không phải là những người chỉ quanh quẩn gần triều đình, hay chạy tới chạy lui và nịnh nọt bề trên.
Bồi dưỡng nhân tài cũng không thể bằng các giáo huấn áp đặt, chỉ vẽ công việc thừa hành, mà là tạo điều kiện cho họ sáng tạo và thử nghiệm các tư duy mới. Phải có cách làm khác với cách thông thường đã quen lâu nay, cần một cơ chế phát hiện và tiến cử.
Để góp phần giám sát hiệu quả, nên có một bộ phận thường xuyên kiểm định và đánh giá một cách thẳng thắn kết quả công việc.
* Đề án cũng bàn đến việc xây dựng quy định để việc nhận trách nhệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ. Có người cho rằng điều này có vẻ vẫn xa lạ với Việt Nam. Theo ông thực hiện nếp văn hóa ứng xử này liệu có khó không?
- Bất kể cái gì, tạo thành văn hóa luôn là việc không dễ. Khó nhưng làm được vì bản thân việc ấy có giá trị nhân văn và cần thiết. Điều còn lại là phải đủ quyết tâm, bền bỉ, có cách làm tốt để được đại đa số cán bộ, đảng viên tự nguyện tham gia và được nhân dân cổ vũ.
Cần có những người, nhất là cán bộ lớn, làm gương trước để mọi người noi theo. Xã hội và các cơ quan làm văn hóa phải tôn vinh những cán bộ dám nhận trách nhiệm và từ chức, ghi nhận việc từ chức là hành vi tốt, có văn hóa, làm cho uy tín của họ ít giảm sút (so với những người không thấy trách nhiệm và tham quyền cố vị) và coi đó là một tiêu chí để đánh giá cán bộ khi sử dụng lại.
(Theo tuoitre.vn)