Cấp bách nhiệm vụ bảo vệ trẻ em

LÊ DIỄM 14/05/2018 08:54

Một hội thảo bàn những giải pháp về bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích vừa được Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng thực trạng xâm hại trẻ em rất đáng báo động, vì vậy nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em hết sức cấp bách.

Trẻ nhỏ không có khả năng tự bảo vệ mình nên cha mẹ, cô giáo cần được tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ tốt hơn. (ảnh minh họa). Ảnh: D.L
Trẻ nhỏ không có khả năng tự bảo vệ mình nên cha mẹ, cô giáo cần được tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ tốt hơn. (ảnh minh họa). Ảnh: D.L

Đáng báo động

Theo Thượng tá Mai Văn Hà - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh, năm 2017, Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra truy tố 19 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Các vụ xâm hại tình dục trẻ em có tính chất tàn nhẫn, dã man ngày càng tăng. Trẻ bị xâm hại khi còn quá nhỏ, gây tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần, thậm chí dẫn đến trẻ bị tử vong. Đối tượng xâm hại trẻ phần lớn là người quen, người thân, họ hàng trong gia đình, hàng xóm, thầy giáo. Phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ của các đối tượng ngày càng tinh vi và đa dạng. Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp và độ tuổi trẻ em bị xâm hại ngày càng nhỏ. Điểm chung là những đứa trẻ bị xâm hại không dám lên tiếng khi bị đe dọa. Bản thân trẻ cũng không tự bảo vệ được mình trước những tên “yêu râu xanh”.

Vụ việc khiến nhiều người phẫn nộ là vụ đối tượng N. T. T. (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) nhiều lần hiếp dâm chính con gái ruột của mình sau khi đã ly hôn vợ, và hiếp dâm con riêng của vợ. T. bị phát hiện và khởi tố tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Hay vụ một thầy giáo ở Thạnh Mỹ (Nam Giang) nhiều lần hiếp dâm và dâm ô với 3 học sinh học tại trường là lời cảnh báo về mức độ tàn ác của nạn xâm hại trẻ em. Những đối tượng phạm tội hiếp dâm bị khởi tố, trừng trị thích đáng trước pháp luật, nhưng nỗi đau những đứa trẻ phải chịu đựng sẽ đeo bám theo suốt phần đời còn lại của các em.

Qua công tác điều tra nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, Thượng tá Mai Văn Hà phân tích rằng thực trạng diễn biến ngày càng phức tạp do nhiều nguyên nhân, như phát hiện, tố giác tội phạm còn gặp nhiều khó khăn. Gia đình nạn nhân và nạn nhân bị xâm hại thường không trực tiếp tố giác, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác đối với cơ quan điều tra vì sợ mang tiếng xấu, sợ bị ảnh hưởng... Nạn nhân là những trẻ em chưa có hiểu biết về pháp luật cũng như kỹ năng nhận biết tội phạm, dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, đe dọa để thực hiện hành vi phạm tội. Hầu hết vụ xâm hại tình dục không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại còn nhỏ, năng lực nhận biết còn hạn chế, tâm lý bị kích động dẫn đến hoảng loạn về tinh thần.

Cần sự chung tay

Theo bác sĩ Trần Dương Thuận - Trung tâm Pháp y tỉnh, các bậc cha mẹ nên để ý trẻ khi có dấu hiệu bất thường. Dấu hiệu ban đầu để nhận biết có thể xuất phát từ sự thay đổi tâm trạng so với những biểu hiện hàng ngày, có thể sợ hãi, hoảng loạn hay lầm lỳ, trầm cảm, ngủ mơ giật mình, không muốn gặp gỡ mọi người hay trò chuyện... Trên thân thể trẻ xuất hiện những dấu vết như bầm tím hay bị cào xước, bị sưng đau ở vùng kín. Trong học hành có thể bị sa sút... “Rất khó tiếp xúc với trẻ bị xâm hại tình dục nên các bậc làm cha mẹ, nhất là người mẹ cần phải là chỗ dựa tin cậy cho con” - bác sĩ Thuận nói.

Ngành giáo dục trong những năm gần đây đã đưa việc giáo dục kiến thức giới tính vào học đường. Nhưng giáo dục kỹ năng nhận biết và phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên - pháp chế (Sở GD-ĐT) nhìn nhận rằng kỹ năng của học sinh hiện nay còn hạn chế, vì vậy mà giáo dục kỹ năng sống là nhu cầu cấp thiết của ngành. Ngành GD-ĐT tỉnh đã bắt đầu lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non, tiểu học và THCS, nhưng tùy từng độ tuổi mà cách thức giáo dục kỹ năng sống khác nhau. Với trẻ nhỏ, các em không có khả năng tự bảo vệ nên việc giáo dục kỹ năng nhận biết, phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em cần được phổ biến cho các bậc cha mẹ, cô giáo để bảo vệ. Theo ông Lộc, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với địa phương, gia đình là hết sức cần thiết trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng cần đẩy mạnh triển khai tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, tập huấn kiến thức về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho người dân. Từ đó nâng cao ý thức bảo vệ con em trong gia đình đối với mỗi người, mỗi nhà. Đặc biệt trong thực tế, đối tượng xâm hại trẻ em thường rơi vào người quen thân trong gia đình thì cần phải cảnh giác với những kẻ có dấu hiệu “dòm ngó” đến những đứa trẻ trong gia đình. Người lớn cần nói cho trẻ hiểu, dạy trẻ biết tránh xa người lạ hay những người khác giới tính, không cho đụng chạm vào thân thể. Đặc biệt là để trẻ xem cha mẹ là bạn, có thể tâm sự với cha mẹ về những việc diễn ra hàng ngày, qua những cuộc trò chuyện, trẻ sẽ kể và người lớn biết được để nhận diện, phòng tránh, bảo vệ con em mình tốt hơn.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM