Chút ngọt ngào sau cuối

Phóng sự của THÀNH CÔNG 12/05/2018 08:40

Lửa lò đường còn đỏ, nhưng người thì đã già. Những cánh đồng mía bạt ngàn của một thời huy hoàng chỉ còn quá vãng. Lò đường cuối cùng ở xã Phú Thọ (huyện Quế Sơn) dậy mùi thơm nức của đường non, phảng phất dư hương của một nghề truyền thống trên thủ phủ trồng mía một thời…

Giữ nghề

Khói nghi ngút bốc lên từ chảo nấu đường sôi sùng sục. Mặc mồ hôi đổ xuống ròng ròng, ông Cao Tấn Hà (60 tuổi, thôn Tân Đông Tây, xã Phú Thọ) đều tay múc từng gàu nước mía tới những chảo đầu lò, đảo đều. Lửa đỏ rực. Không  gian dậy lên mùi vị ngọt ngào, trong từng làn khói bốc lên từ chảo nấu. Chảo cuối cùng ở đầu lò, đường chín tới, nhỏ từng giọt đặc quánh từ gàu, màu vàng cánh gián. Bên ngoài, có hơn chục người đứng sẵn, trên tay là chồng bánh tráng, vài chiếc lon đựng đậu phộng rang sẵn, hoặc… một bẹ chuối tươi bẻ lên ở hai đầu - hóa ra cái cách đựng đường non từ xưa xửa vẫn còn được dùng cho đến tận giờ. Họ đến nhúng bánh tráng đường, món “đặc sản” của vùng quê Phú Thọ, mua đường non về ăn, tranh thủ khi lò đỏ lửa. Ông Hà nhận chồng bánh tráng, nhúng vào chảo đường rồi đảo đều, vớt ra cho từng người. Hàng người chờ đợi còn dài, nhưng ông khoát tay: “Hết rồi, chờ mẻ sau”. Số đường còn lại trong chảo được ông già múc đổ vào chiếc thùng gỗ “gia bảo” đã sờn mòn theo năm tháng. Ba người, bao gồm ông Hà và hai người làm công khác, ngồi cầm đoạn gỗ được gọi là “bạn đường” bắt đầu đều tay đánh đường non trong thùng. Đường quánh đặc như hồ. Phía bên dưới, một hàng dài những chiếc bát bằng nhôm đã quét dầu phụng xếp ngay ngắn. Ông Hà bưng nghiêng thùng, rót đường vào từng bát, đều, đầy tăm tắp... Đường rót đến đâu đặc lại đến đó. Một người khác cầm chiếc búa nhỏ bằng gỗ gõ trên mặt bát đường, tạo thành một chỗ lõm. Hết một lượt rót, lại vòng lại, rót vào những lỗ búa đã gõ. Cứ thế, bát đường đầy lên, bung xòe như một đóa hoa kỳ lạ.

Chủ lò đường, ông Trần Đình Hai (65 tuổi) đã có hơn nửa đời mình gắn với cây mía, với bộ che làm đường bát. Ông Hai bẻ một mảnh đường nhỏ ở thành bát, nếm thử. Mấy chục năm với mía, với đường, ông chỉ cần nhìn chảo đường sôi, cũng biết được đường đã “tới”, nhìn màu đường là biết độ đậm nhạt của giống mía nấu đường. Từ thuở còn dùng bộ che ép mía bằng gỗ, bắt bò kéo ép mía, đến hiện tại, lò đường của ông Hai tồn tại đã ngót nghét hơn 40 năm. Những thùng gỗ, chảo nấu, bạn đường, bát đúc có từ ngày đó vẫn còn dùng tốt đến tận hôm nay. Những người làm công ở lò ông Hai cũng là người trong vùng, một thời chung nghề nấu đường bát, có người sắm sửa đủ bộ che, có lò riêng, nhưng dường như không chống nổi sự lụi tàn của nghề và ngành công nghiệp đường, nên giờ chỉ duy nhất lò Hai Phước - tên gọi ở làng của ông Hai còn hoạt động. “Cả năm, chỉ nấu được vài bận từ tháng ba đến tháng năm. Mùa “mật trèo lên ngọn”, cây mía đủ độ đường, mới đem về nấu. Nhưng cũng phải gom vài bữa mới đủ vài tạ mía, nấu chừng ba đợt, là dừng chờ đủ mía mới nấu tiếp đợt khác” - ông Hai nói.

Lò đường của ông Hai là lò đường thủ công duy nhất sót lại ở cả vùng trung du.Ảnh: THÀNH CÔNG
Lò đường của ông Hai là lò đường thủ công duy nhất sót lại ở cả vùng trung du.Ảnh: THÀNH CÔNG

Mười lăm phút, đường bát chín, còn ấm nóng trên tay. Ba thùng gỗ đầy nước đường, đổ được mười tám cặp đường, vừa kịp tới một đợt rót mới. Ông Hà vớt bỏ bọt bẩn trên chảo đường, đảo đều chảo đường đang sôi. Người dân đứng chật quanh lò, chờ nhúng bánh tráng. Quá đông, lượng đường trong chảo chỉ đủ nhúng bánh. Số đường bát vừa gỡ, được mua sạch khi còn chưa kịp nguội. Người mua cũng chẳng xa lạ, là người dân trong vùng. “Năm chục ngàn một cặp đường bát, đắt hơn nhiều so với đường từ nơi khác bán. Nhưng dân ở đây biết đường bát ở lò ngon, không phụ gia mà nấu hoàn toàn từ đường mía, nên tìm tới mua. Đường không kịp làm để bán. Ai muốn mua phải đặt trước, chứ đến lò cũng không có để mua” - ông Hà kể.

Đắng… vị đường

Đang mùa thu hoạch mía, nhưng lò đường ông Hai Phước cũng chỉ đủ mỗi tuần nấu một mẻ đường. Người trồng nhiều nhất cũng chỉ chừng một, hai sào mía. Ông Hai nhận gia công cho người khác, với giá khoảng 10.000 đồng cho một cặp đường thành phẩm. Đứng trưa, một xe chở mía chất lút ngọn lùi sâu vào khoảng sân lò đường. Ông Trương Thanh Linh (50 tuổi, ở xã Bình Quý, Thăng Bình) chở mía vào nhờ ông Hai nấu. Cũng như hàng trăm hộ dân ở vùng bán sơn địa này, ông Linh từng gầy dựng mọi thứ nhờ cây mía. Nhưng rồi nhà máy đường giải thể, đường nhập khẩu ồ ạt đổ về, giá rẻ, người trồng mía điêu đứng. Độ mười năm trước, cánh đồng mía lặng lẽ mất dần. Từ vài mẫu, nay gia đình ông Linh chỉ còn duy trì 2 sào trồng mía. “Làm mía giờ tính ra vẫn lãi, nhưng nặng công nên họ bỏ dần. Trước kia, tôi cũng có lò nấu đường như ông Hai, nhưng rồi cũng phải bỏ. Số mía còn lại thì phụ thuộc vào lò đường của ông Hai, khi nào lò hoạt động mình mới đến nhờ gia công được” - ông Linh nói.

Mỗi cặp đường bát có giá khoảng 50.000 đồng.
Mỗi cặp đường bát có giá khoảng 50.000 đồng.

Những người già ở lò đường giành nhau kể về một thời huy hoàng của cây mía ở đất này. Thời mà đi đâu cũng bạt ngàn mía, chỉ riêng thôn Tân Đông Tây, có đến 6 - 7 lò đường. Lò đỏ lửa suốt ngày lẫn đêm mùa thu hoạch, chỉ tính riêng “dậm mía” (thu hoạch, chở về lò - PV) cũng đã mất mấy ngày. Một ngày đỏ lửa, mỗi lò nấu gần chục tấn mía. Con buôn đến tận từng lò, mua hàng sọt đường bát chất đầy cùng với rơm, chở đi bán khắp vùng trong vùng ngoài, mấy bán cũng hết. Đường bát ngày ấy, là ký ức tuổi thơ của không biết bao nhiêu người xứ Quảng. Đến chợ, về nhà, đường bát trở thành món quà vặt mà bao đứa trẻ con mong chờ mẹ đem về sau buổi chợ. Nấu chè, kẹo đậu phụng, cũng nhờ đường bát. Rồi những lon mạch nha (đường non) dẻo quẹo ngọt đến tận bây giờ trong ký ức bao người, như tôi.  Nhưng rồi, giá đường trượt dài xuống đáy. Người trồng mía lao đao. Đó, là khi đường từ nơi khác đổ về với giá rẻ bèo, người trồng mía nấu đường không cạnh tranh nổi. Nhà máy mía đường đóng cửa, bao nhiêu cánh đồng mía bỏ không, trở thành nơi trồng keo, trồng đậu, đủ thứ cây, trừ mía…

“Giá thấp, đường bán không được, họ nghỉ hết. Lò đường đóng cửa. Bộ che hồi đó là cả gia tài, mà cũng phải bỏ. Lò đường này còn giữ, là vì chú chỉ có nghề này, sống với nó chứ bỏ thì không đặng. Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên…, bao nhiêu vùng từng một thời trồng mía, nấu đường, giờ chẳng còn mấy lò. Ngay cả nhà chú, có lò đường mà cũng chỉ còn mỗi một sào trồng mía, còn lại toàn gia công cho họ”- ông Hai Phước trầm ngâm. Khoảng lặng của ông già, có lẽ đang nhường chỗ cho những ký ức từng một thời thật ngọt ngào, với cây mía đất này. Ông chỉ vào những người làm công cho mình. Chỉ có mỗi con rể ông, anh Cao Tấn Tại, 39 tuổi nhưng còn được xem là… trẻ, ở lò đường. Đến lúc này, khi nghề nấu đường tồn tại được với thu nhập không còn rẻ mạt như dạo nọ, thì lớp trẻ đã lẳng lặng bỏ quê, bỏ làng, bon chen với cuộc mưu sinh đủ nghề nơi khác. Không mấy người quay lại với lò đường…

Đường bát ngọt dịu. Nhưng với người làm đường, là vị đắng của chuỗi dài những ngày nghề đường trầm lắng. Bao cánh đồng mía bạt ngàn phía trung du Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên… đã chết, khi nhà máy đường đóng cửa. Trước nữa, là những lò đường thủ công truyền thống khắp làng trong xóm ngoài, cung cấp nguồn đường bát cho cả Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều vùng khác đã tắt lửa, đổ sập trong hoang tàn. Thoi thóp một nghề đã từng là quá khứ huy hoàng của vùng trung du, của bao phận người. Bộ che ở lò đường ông Hai đã cũ lắm rồi. Ông già giờ cũng chẳng còn rắn rỏi như dạo nọ. Và những người trẻ đã xa làng, họ có chịu trở về với khói, với cái nóng hầm hập ở lò, với những giọt đường đặc quánh chảy từng giọt xuống bộ bát đường xám cũ màu thời gian? Chỉ còn sót chút hương quê nơi từng chiếc bánh tráng đường “đặc sản”, nơi lò đường thủ công của ông Hai Phước. Váng vất vị đường nơi chúng tôi đứng đây, là chút ngọt ngào còn sót lại nơi lò đường cuối cùng ở cả một dải trung du này, với tuyền những người già gắn bó phần lớn cuộc đời với cây mía, bộ che, với lửa lò. Có lẽ cũng như phận lò đường, họ là những người sau cuối…

Phóng sự của THÀNH CÔNG

Phóng sự của THÀNH CÔNG