Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội: Còn nhiều rào cản

DIỄM LỆ (thực hiện) 10/05/2018 10:32

“Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH)” là một trong 3 đề án được Hội nghị Trung ương 7 khóa XII (khai mạc ngày 7.5) tập trung thảo luận với trọng tâm thiết kế chính sách bảo hiểm đa tầng. Từ thực tế của tỉnh, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh về các vấn đề liên quan.

Chính sách BHXH hiện nay chủ yếu thực hiện với nhóm đối tượng lao động bắt buộc phải tham gia BHXH. Ảnh: D.L
Chính sách BHXH hiện nay chủ yếu thực hiện với nhóm đối tượng lao động bắt buộc phải tham gia BHXH. Ảnh: D.L

- Thưa ông, việc thực hiện chính sách BHXH trong tỉnh hiện nay gặp những vướng mắc nào?

- Ông Phạm Ngọc Hà: Thực hiện chính sách BHXH của tỉnh hiện nay có điều kiện thuận lợi do có sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương, và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong thực hiện chính sách BHXH, nhất là từ khi có Nghị quyết 21 đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong thực hiện chính sách. Đầu tiên là công tác tuyên truyền ở cơ sở còn chưa thường xuyên; nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động vẫn còn hạn chế. Vì thế có nhiều doanh nghiệp nhỏ khi sử dụng lao động tìm cách lách luật, không kê khai để đóng BHXH cho người lao động. Cơ chế thanh tra, kiểm tra do cơ quan BHXH thực hiện nhưng do lực lượng mỏng, trong khi số lượng doanh nghiệp, đơn vị quá nhiều nên không thể thực hiện nghiêm ngặt. Khi thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì nhắc nhở, chấn chỉnh là chính, đơn vị nào chây ỳ quá mới xử phạt, nhưng vẫn còn chưa đủ sức răn đe.

- Những điều đó khiến trên địa bàn tỉnh có tình trạng nhiều doanh nghiệp trốn BHXH, thưa ông?

- Ông Phạm Ngọc Hà: Trước năm 2016, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cố tình lách luật bằng cách hợp đồng bằng miệng, hợp đồng thử việc, học việc, mùa vụ, dưới 3 tháng để trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, từ năm 2018 hợp đồng lao động dưới 1 tháng vẫn bắt buộc phải đóng BHXH cho người lao động. Nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện chưa nghiêm túc quy định này nên dẫn đến vẫn phổ biến tình trạng trốn đóng BHXH, đóng không đủ người. Chế tài xử phạt của Luật BHXH có quy định cụ thể nhưng vẫn chưa xử phạt được, ngành cũng không đủ sức để đi thanh tra, kiểm tra tất cả doanh nghiệp. Trong khi đó ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa tốt; bản thân người lao động thì sợ mất việc làm nên không đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của mình. Người lao động cũng chưa hiểu được lợi ích lâu dài về sau nên đôi khi chấp nhận thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH.

- Theo ông, hiện nay trên địa bàn tỉnh có những biểu hiện nào của tình trạng trục lợi BHXH?

- Ông Phạm Ngọc Hà: Những biểu hiện cụ thể của trình trạng trục lợi quỹ BHXH trên địa bàn tỉnh gồm khi lao động mang thai thì doanh nghiệp nhận lao động vào và bắt đầu đóng BHXH đủ theo thời gian quy định. Lao động khi sinh thì nghỉ thai sản và nhận tiền chế độ thai sản, xong nghỉ làm việc luôn. Khi lao động bắt đầu mang thai thì doanh nghiệp đăng ký mức lương cao hơn để được hưởng thai sản mức cao hơn, đến khi hết thai sản thì ký hợp đồng lại và đăng ký mức lương thấp hơn. Khu vực doanh nghiệp tư nhân có hiện tượng nhận người nhà vào công ty, đăng ký tham gia BHXH để được nhận chế độ thai sản, sau kỳ thai sản thì không thấy họ đi làm nữa. Lao động nhiều lúc nghỉ việc riêng, nhưng vẫn đến cơ sở khám chữa bệnh xin mẫu đơn nghỉ ốm, có bác sĩ chứng nhận vào đó để thanh toán chế độ BHXH.

- BHXH tự nguyện ít thu hút người dân tham gia, vì sao lại có thực trạng này?

- Ông Phạm Ngọc Hà: Nguyên nhân trước tiên là chính sách về BHXH tự nguyện đóng đến 20 năm mới được hưởng trợ cấp, thời gian quá dài nên người dân không theo được. Về thiết chế chính sách, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ hưu trí và tử tuất, mà tuất là tuất 1 lần nên chưa thu hút được người tham gia. Từ năm 2018, ngân sách hỗ trợ 30% tiền đóng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, 25% hộ cận nghèo, 10% các đối tượng còn lại. So với số tiền người dân phải đóng để được hưởng trợ cấp vẫn còn thấp, chưa tác động lớn đến đối tượng để họ có động lực và điều kiện tham gia. Thêm nữa, nguồn thu nhập của lực lượng lao động tự do, lao động nông nghiệp không ổn định nên họ không có tích lũy, không đủ điều kiện để tham gia lâu dài. Vả lại người Việt hiện nay vẫn còn tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con” nên chưa có tâm lý sẵn sàng cho việc tham gia BHXH tự nguyện để chuẩn bị cho bản thân mình được hưởng về sau.

- Theo đề án trình Hội nghị Trung ương 7 đang diễn ra, chính sách BHXH sẽ có nhiều đổi mới quan trọng, đặc biệt là thiết kế chính sách bảo hiểm đa tầng. Từ thực tế tại Quảng Nam, ông có suy nghĩ gì về sự đổi mới này?

- Ông Phạm Ngọc Hà: Như tôi nói ở trên, việc tham gia chính sách BHXH tự nguyện đã khó, thì khi thiết kế chính sách bảo hiểm đa tầng cũng sẽ rất khó thực hiện. Mặt bằng chung cuộc sống của người dân còn khó khăn, nên khi kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người lao động nếu không được tính toán hợp lý sẽ khó thu hút người dân tham gia. Thực hiện chính sách bảo hiểm đa tầng, cần có một sự quán triệt chính sách, và có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ giống như thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị mới hy vọng thu hút được người dân tham gia.

- Xin cảm ơn ông!

DIỄM LỆ (thực hiện)

DIỄM LỆ (thực hiện)