Giúp đồng bào Co xây dựng cuộc sống mới
Tuy có những cải thiện rõ rệt nhưng đời sống của đồng bào dân tộc Co ở xã Tam Trà (Núi Thành) vẫn còn nhiều khó khăn, vì thế, huyện Núi Thành đã có những giải pháp để khắc phục.
Phát triển kinh tế vườn vùng đồng bào Co. Ảnh: V.Phin |
Xã Tam Trà có 8 thôn với 871 hộ dân, 3.140 nhân khẩu, trong đó có hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Co, chiếm 30% tổng số hộ toàn xã. Thực hiện các Chương trình 134, 135 của Chính phủ, huyện Núi Thành đã cơ bản giải quyết vấn đề về nhà ở, học tập, chăm sóc sức khỏe, nước sinh hoạt… cho đồng bào dân tộc Co, đặc biệt hỗ trợ, giúp đỡ cây, con giống để bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thoát đói vượt nghèo. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ đồng bào Co chưa tận dụng các điều kiện hiện có để cải thiện đời sống. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, không ít hộ thiếu tư liệu sản xuất và hạn chế hiểu biết pháp luật dẫn đến tình trạng xâm lấn trái phép rừng phòng hộ trên địa bàn. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Trà cho biết: “Dù có nhiều đổi mới nhưng hiện tại điều kiện sống của một bộ phận đồng bào Co còn thấp, số hộ thiếu nước sinh hoạt, ăn ở hợp vệ sinh chưa nhiều”. Theo khảo sát của huyện Núi Thành, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, hoạt động văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc Co tại xã Tam Trà chưa được đầu tư đầy đủ; chưa có trường học đạt chuẩn quốc gia, trường học bán trú, trạm y tế còn hạn chế về cả về cơ sở vật chất trang thiết bị lẫn đội ngũ thầy thuốc phục vụ...
Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Co tại xã Tam Trà, mới đây, HĐND huyện Núi Thành khóa XI đã thông qua nhiều giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân, thực hiện các giải pháp phát triển đa ngành, tăng giá trị sản xuất, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc Co gắn với xây dựng nông thôn mới. Phòng NN&PTNT, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ khuyến nông viên tại chỗ từ xã đến thôn, tổ, nhằm tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt đến từng hộ với phương châm “nắm tay, chỉ việc”; đẩy mạnh sản xuất lúa nước, nhằm đảm bảo tự túc được lương thực tại chỗ; vận động các hộ chăn nuôi gia súc gia cầm... Đặc biệt, tuyên truyền cho bà con tự giác tham gia bảo vệ rừng; giao khoán bảo vệ 400ha rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện sẽ quy hoạch 50ha tại thôn Thuận Tân và Xuân Thọ để trồng cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như lim, huỳnh đàn, kiền kiền, sao, chò... từng bước khôi phục lại rừng sinh thái đa dạng sinh học...
“Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, bảo tồn bản sắc dân tộc Co. Cụ thể là cần sớm phục hồi và phát triển các lễ hội, điệu múa, bài hát của đồng bào Co như Tết mừng lúa mới, Tết ngã rạ, điệu múa cheo... Bên cạnh đó, cần trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn và xây dựng các hạ tầng, thiết chế văn hóa khác vùng đồng bào dân tộc Co trong thời gian tới” - Ông Nguyễn Văn Đảng, Bí thư Đảng ủy Tam Trà cho hay.
VĂN PHIN