Giá dầu biến động khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
(QNO) - Sáng 9.5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay còn gọi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Ông Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: nbcnews |
Ông Trump cho rằng thỏa thuận đạt được năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama có các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc cùng tham gia ký kết với Mỹ và Iran là “một thỏa thuận một chiều tồi tệ mà lẽ ra không bao giờ nên có”, và Mỹ “sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế ở mức độ cao nhất” lên Iran.
Ngay lập tức, nhiều nước trên thế giới có phản ứng trái chiều về quyết định trên của ông Trump. Thủ tướng Anh - Theresa May, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức - Angela Merkel nhấn mạnh cam kết tiếp tục ở lại JCPOA bởi thỏa thuận này vẫn quan trọng với an ninh của đất nước họ và lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ. Trước đó, các nước tham gia đàm phán phải mất hơn 10 năm nhiều tranh cãi để cuối cùng đạt được JCPOA vào năm 2015.
Bộ Ngoại giao Nga cũng bày tỏ sự thất vọng về quyết định của ông Trump khi rút Mỹ khỏi JCPOA. Nga khẳng định sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên còn lại trrong thỏa thuận và duy trì quan hệ với Tehran. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời đề nghị các bên tôn trọng những cam kết của mình.
Ngay sau quyết định này của Tổng thống Mỹ Trump, thị trường năng lượng thế giới biến động khi giá dầu vọt tăng. William O’Loughlin - nhà phân tích đầu tư tại công ty chứng khoán Rivkin của Australia nói, Mỹ áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran sẽ hạn chế lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran trong khi nguồn cung dầu toàn cầu bị thắt chặt trong thời gian gần đây. Iran hiện là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 3 trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đứng sau Ả-rập Xê-út. Vì vậy, việc hạn chế nguồn cung cấp dầu từ Iran sẽ đẩy giá dầu lên cao.
Theo Reuters, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể được thiết lập trở lại sau 180 ngày, trừ phi hai bên đạt được một thỏa thuận mới trước thời hạn đó. Chuyên gia kinh tế Tomomichi Akuta, thuộc Mitsubishi UFJ Research and Consulting tại Tokyo, nhận định: “Có những lo ngại rằng xuất khẩu dầu của Iran có thể giảm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày so với mức hiện tại (2,6 triệu thùng/ngày). Giá dầu có thể tăng ít nhất là 10 USD/thùng, với giá dầu Brent tiếp cận gần 90 USD/thùng”. Đầu tuần này, giá dầu thế giới lại hơn 70 USD/thùng, giá cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Một báo cáo của Ngân hàng ANZ cho biết, gần như chắc chắn xuất khẩu dầu của Iran sang thị trường châu Á và châu Âu sẽ giảm trong năm nay và năm tới. Một số quốc gia châu Á và châu Âu nơi nhập khẩu dầu với lượng lớn từ Iran chắc chắn sẽ tìm kiếm nhà cung cấp khác để tránh rắc rối sau khi Mỹ chính thức áp đặt lệnh cấm vận kinh tế trở lại đối với Iran. Đến nay, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất của Iran. Tuy nhiên, nhiều khả năng các khách hàng châu Á vẫn mua một phần dầu hoặc không cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran như đã làm trước đây khi Iran chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
NAM VIỆT