Thắm tình hữu nghị - Bài 2: Vun đắp và giữ gìn
Tin liên quan
|
Sinh sống ở vùng giáp ranh, đồng bào dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở các xã biên giới của huyện Nam Giang, Tây Giang vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với bà con ở các cụm bản Đắc Chưng, Kà Lừm của tỉnh Sê Kông (Lào). Họ thăm thân, kết nghĩa và chia sẻ với nhau từng gùi sắn, gùi lúa trong những mùa giáp hạt, càng khiến tình anh em ở hai bên biên giới thêm đậm sâu, thắt chặt.
Chị Bríu Chrưn ở thôn Côn Zốt xã Chơ Chun (Nam Giang) cùng các em nhỏ bản Tăng Noong huyện Đắc Chưng (Sê Kông, Lào) trong chuyến thăm thân nhân dịp tết Bunpimay 2018. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Những cuộc trở về
Trong chuyến công tác tại xã vùng cao Chà Vàl (huyện Nam Giang) mới đây, tình cờ chúng tôi bắt gặp những người đàn ông lấm lem bùn đất cõng ba lô bước vội vã trên đường. Họ nói mình là người Tà Riềng sống ở tận bản Đắc Tà Oọc Nhày (huyện Đắc Chưng) vượt núi về đây tìm người thân. Sau một hồi kết nối thông tin, cuối cùng họ cũng tìm được người thân ở một thôn của xã Đắc Tôi lân cận, trong niềm vui khó tả. Sool - một thành viên trong đoàn nói với chúng tôi, đây là lần thứ hai anh trở lại Việt Nam sau hàng chục năm di cư sang phía vùng đất Lào. Nhưng lần trước anh đến cùng đoàn của bản Đắc Tà Oọc Nhày sang thăm và chúc tết nhân dịp năm mới sau thời gian kết nghĩa biên giới. Anh Sool nói, chính từ lần đi đó anh mới biết được thông tin vẫn còn bà con của mình ở phía bên này. Thế là sau nhiều lần dự định, cuối cùng anh cùng người thân đã lặn lội sang lần nữa để tìm những người bà con, họ hàng.
Một bệnh nhân Lào được điều trị, chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang. Ảnh: ĐÌNH HIỆP |
Không chỉ Sool, rất nhiều bà con là người dân tộc Cơ Tu, Tà Riềng ở những cụm bản của Lào giáp ranh với các địa phương Nam Giang, Tây Giang cũng thường xuyên qua lại thăm thân, nhất là sau đợt tổ chức kết nghĩa giữa thôn bản ở hai bên biên giới. Như dịp phía bạn đón tết cổ truyền Bunpimay vừa rồi, cùng với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, nhiều bà con ở các thôn giáp ranh biên giới Nam Giang - Đắc Chưng; Tây Giang - Kà Lừm cũng đã tổ chức các đoàn đến thăm và giao lưu lẫn nhau. Chị Bríu Chrưn - người dân ở thôn Côn Zốt xã Chơ Chun (Nam Giang) cho hay, trước đây chỉ thỉnh thoảng mới tổ chức thăm thân qua lại giữa bà con hai bên biên giới, do điều kiện đi lại khó khăn. Nhưng vài năm trở lại đây, khi tuyến giao thông hai bên đã thuận lợi, cộng với khu vực kiểm soát cửa khẩu cũng được hoàn thiện, đưa vào sử dụng, khai thác, khiến việc thăm thân dễ dàng hơn. Như dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, không khí xuân càng trở nên rộn ràng khi đồng bào vùng cao các xã biên giới Chơ Chun, La Êê đón những người bạn, người thân ở các cụm bản của Lào cùng đến chung vui, ăn tết cổ truyền. Một lễ hội chung được tổ chức, mừng vui trong thời khắc năm mới đầy ấm áp.
Dù không chung làng, chung nguồn nước, nhưng bà con đều chung dòng máu Cơ Tu. Vì thế, giúp bạn cũng như giúp mình, điều đó cũng thể hiện tình nghĩa anh em vùng cao luôn thắm thiết, bền chặt như dòng suối trên nguồn, như nhánh cây trong rừng. (Già Riah Đơơr, ở thôn Réhm, xã Ch’Ơm, Tây Giang) |
Bríu Chrưn chia sẻ, gia đình chị vốn có gốc gác ở cụm bản bên Lào. Hơn 100 năm trước, từ bản Tăng Noong (Đắc Chưng), cha ông của chị di cư sang Việt Nam rồi định cư tại vùng đất Côn Zốt cho đến bây giờ. Và may mắn được cùng đoàn xã Chơ Chun đến thăm, tặng quà dịp tết Bunpimay cho người dân cụm bản Tăng Noong mới đây, Chrưn nói mình đã có chuyến đi đầy ý nghĩa như một dịp để chị trở về nguồn cội cha ông ngày trước. Vì thế, những ngày ở bản Tăng Noong, Chrưn cùng bà con ở cụm bản quây quần bên nhau dưới ánh lửa hồng, cùng vui say các chương trình lễ hội ngày tết, bên vũ điệu lăm vông say đắm lòng người. “Bà con ở hai bên biên giới từ lâu có mối quan hệ thân thiết và luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, cũng như chung tay gìn giữ, bảo vệ đường biên giới ở hai bên quốc gia” - chị Chrưn cho biết thêm.
Giúp nhau vượt qua hoạn nạn
Có một điều khá đặc biệt, rất nhiều hộ dân cụm bản giáp ranh biên giới ở các huyện Đắc Chưng, Kà Lừm (Lào) từ lâu đã thờ di ảnh Bác Hồ và thuộc nhiều bài hát về Bác. Họ ăn Tết Nguyên đán theo người Cơ Tu, Tà Riềng ở Quảng Nam và dành niềm thành kính nhất đối với Bác Hồ, cùng các anh hùng, những thủ lĩnh một thời của đồng bào Cơ Tu. |
Phó Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm (huyện Tây Giang) - ông Bríu Hồ nói rằng, trước đây, người dân ở các thôn bản hai bên biên giới Tây Giang - Kà Lừm vẫn giữ thói quen tổ chức thăm thân bằng con đường tiểu ngạch xuyên núi. Những tháng năm kháng chiến, chính những con đường mòn này đã giúp bộ đội và người dân vùng cao tản cư, trước các đợt càn quét của địch. Vì thế, đồng bào các xã biên giới Ga Ry, Ch’Ơm gọi đây là “con đường kháng chiến” và hàng năm thường xuyên tổ chức các đợt phát dọn, làm sạch và sửa chữa tuyến đường huyết mạch này để tạo thuận lợi cho việc thăm thân và hỗ trợ nhau trong cuộc sống. “Bây giờ, mỗi khi có công việc quan trọng bà con ở bản Abưl, Tăng Ta Lăng của huyện Kà Lừm vẫn thường men theo các con đường này sang đây” - ông Bríu Hồ nói.
Già làng Riah Đơơr, ở thôn Réh (xã Ch’Ơm) cũng cho hay, hàng năm mỗi khi đến mùa giáp hạt hay những dịp cuối năm, nhiều bà con ở bản Abưl cũng men theo “con đường kháng chiến” tìm đến các thôn lân cận ở các xã Ch’Ơm, Ga Ry để nhận hỗ trợ sắn, thóc, bắp và cả muối, mì chính,… Như gia đình già Đơơr, năm nào cũng dành chút ít gạo, mì chính, muối… dự phòng, để kịp hỗ trợ bà con phía bên kia biên giới khi cần. Chung sống với nhau từ những thời đói cơm lạt muối, già Đơơr bảo, đồng bào vùng biên giúp nhau vượt qua hoạn nạn cũng là cùng đoàn kết bảo vệ vững chắc đường biên giới, để bám đất giữ làng. Theo lời già Đơr, bà con phía các cụm bản Abưl, Tà Vàng, Bha lêê (huyện Kà Lừm) cũng đều là đồng bào Cơ Tu, có họ hàng thân tộc với bà con ở các xã biên giới Tây Giang. Những năm chiến tranh loạn lạc, cũng nhờ bà con bên đó đã cưu mang, giúp đồng bào bên này từ chỗ ở đến gùi lương thực để có cái ăn suốt thời gian khá dài. “Truyền thống lâu đời giữa bà con hai bên biên giới luôn được vun đắp và gìn giữ. Dù không chung làng, chung nguồn nước, nhưng bà con đều chung dòng máu Cơ Tu. Vì thế, giúp bạn cũng như giúp mình, điều đó cũng thể hiện tình nghĩa anh em vùng cao luôn thắm thiết, bền chặt như dòng suối trên nguồn, như nhánh cây trong rừng” - già Đơơr bộc bạch.
Còn nhớ hồi giữa tháng 4.2018, tôi đến Trung tâm Y tế huyện Tây Giang tìm hiểu việc đơn vị này cấp cứu kịp thời một bệnh nhân Lào ở cụm bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm) bị sét đánh lúc đang ở chòi rẫy. Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đưa tôi đến thăm người bệnh và cho hay bệnh nhân là bà Alăng Thị Rinh (50 tuổi, người Cơ Tu ở Lào), sức khỏe đang dần hồi phục. Bác sĩ Thông chia sẻ, trung bình mỗi năm, đơn vị tiếp nhận hàng chục bệnh nhân Lào được chuyển đến cấp cứu và điều trị. Nhiều bệnh nhân thường chỉ đi một mình, bệnh lý khá nặng và không có tiền bạc trong người. Vì thế, toàn bộ chi phí sinh hoạt, ăn ở, thuốc men đều được hỗ trợ miễn phí. “Rất nhiều trường hợp, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân Lào trong tình trạng khẩn cấp. Với tinh thần tương thân giúp nhau vượt qua hoạn nạn, chúng tôi tận tâm điều trị và hỗ trợ họ toàn bộ. Bà con Lào vùng giáp biên rất quý tình cảm này!” - bác sĩ Thông chia sẻ.
ALĂNG NGƯỚC
Bài cuối: Vang khúc sa-ma-khi