Mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư: Nhiều nhưng chưa hiệu quả
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tiến hành khảo sát tổ chức hoạt động của Mặt trận các cấp và mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư tại các địa phương trong tỉnh. Đây là một trong những nội dung được Tỉnh ủy chỉ đạo nhằm thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm việc, khảo sát về mô hình tự quản ở huyện Nam Trà My. Ảnh: VINH ANH |
Nặng về hình thức
Chỉ riêng tại huyện miền núi Nam Trà My, hiện nay Mặt trận huyện đang chủ trì phối hợp và hướng dẫn Mặt trận các xã xây dựng 7 mô hình tự quản ở khu dân cư (KDC), trong đó có 5 mô hình điểm “KDC thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường” và 2 mô hình điểm “5 không, 3 sạch”. Ngoài ra, Mặt trận còn phối hợp với Hội LHPN huyện xây dựng 10 “Tuyến đường tự quản” tại 10 xã; phối hợp với Huyện đoàn xây dựng 43 “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp và an toàn” tại 43 thôn. Mặt trận còn phối hợp với Công an huyện xây dựng 11 mô hình tự quản về an ninh trật tự tại các KDC những mô hình như: “Đội dân phòng liên thôn”, “Nước Xa bình yên”, “Thôn 3 bình yên”, “Nóc Ông Hành bình yên”… Việc xây dựng các mô hình tự quản nhằm cụ thể hóa thực hiện các cuộc vận động, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào xóa đóa giảm nghèo và bảo vệ môi trường… tại địa phương.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, Mặt trận huyện Nam Trà My tự nhìn nhận, một số mô hình tự quản mang tính hình thức, ý thức tham gia của bộ phận nhân dân ở cộng đồng dân cư chưa thực sự chuyển biến rõ nét. Trong khi việc tự quản để đôn đốc, nhắc nhở, chưa có hình thức chế tài cụ thể. Theo ông Hồ Văn Bá - Chủ tịch Mặt trận xã Trà Mai, dù cùng nội dung về bảo vệ môi trường nhưng mỗi ngành, tổ chức chính trị đều thành lập các mô hình tự quản riêng. Việc “mạnh ai nấy làm” đã tạo ra sự trùng lắp và tính hình thức trong thực hiện. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Trà My - Trần Duy Dũng cho rằng, nhiều mô hình tự quản chưa phát huy hiệu quả, việc thực hiện giống kiểu “đánh trống bỏ dùi”...
Bà Trần Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ cho biết, việc xây dựng các mô hình tự quản ở KDC trên địa bàn thành phố quá nhiều nhưng phần lớn dừng lại ở lễ phát động, ra mắt mô hình. Trong khi, việc xây dựng quy chế hoạt động, quy trình thực hiện, tự tham gia của các hộ dân, công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra… còn nhiều hạn chế. Việc phối hợp giữa Mặt trận và các ngành chức năng trong công tác xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư chưa đồng bộ. Nêu ý kiến từ cơ sở, ông Trần Tám - Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Nhì Đông (xã Bình Lâm, Hiệp Đức) cho hay: “Hiện nay, Mặt trận, các đoàn thể, công an đều có mô hình nhưng nội dung trùng lắp. Có khi một người tham gia trong ban điều hành của nhiều mô hình, dẫn đến chất lượng không cao vì thiếu sự đầu tư”.
Đề xuất hợp nhất
Thời gian qua, Mặt trận các cấp trong tỉnh luôn phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân trong việc triển khai các phong trào, cuộc vận động với nhiều nội dung phong phú. Trong đó, Mặt trận chú trọng hướng dẫn các địa phương đăng ký xây dựng mô hình điểm, lấy khu dân cư làm địa bàn triển khai thực hiện. Nhìn chung, các mô hình, trong đó có mô hình tự quản đã phát huy được tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo cảnh quan môi trường văn minh, sạch đẹp... Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại cơ sở, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá, mô hình ở cộng đồng dân cư nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Thậm chí có nơi còn hiểu sai về mô hình dẫn đến chưa phân biệt được mô hình tự quản với phong trào, phần việc, các cuộc vận động...
Qua khảo sát, nhiều ý kiến từ cơ sở cho rằng nên chăng cần hợp nhất các tổ chức tự quản hiện có ở KDC với tổ hòa giải, tổ dân vận… thành một tổ chức thống nhất chung do Mặt trận chủ trì theo hướng tinh gọn, thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp về mô hình, đối tượng vận động. Về quy mô và cấp độ hoạt động, nên duy trì ở KDC hay tổ đoàn kết sẽ hợp lý hơn... Theo Bí thư Huyện ủy Đông Giang - Đỗ Tài, mô hình tự quản phải gắn với KDC và nên gom lại một đầu mối giao Mặt trận chủ trì để tạo nên sức mạnh. Đồng thời linh hoạt về cấp độ và quy mô phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My - Huỳnh Thị Thùy Dung đề nghị, hoạt động của mô hình tự quản cần có sự định hướng từ cấp ủy và chính quyền các cấp. Đồng thời nên xây dựng bộ tiêu chí hay khung chuẩn cho mô hình tự quản. Trong khi đó, từ thực tế cơ sở, ông Nguyễn Đức Hải - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 10 (xã Phước Hiệp, Phước Sơn) cho rằng mô hình tự quản phải được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của người dân, không nên dựa dẫm vào ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, lúc đó mô hình mới sống lâu và đi vào lòng dân.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Võ Xuân Ca, xác định rõ khái niệm và bản chất của mô hình tự quản. Mọi phong trào phải bắt đầu từ nhân dân, các mô hình tự quản ở KDC phải trở thành phong trào tự nguyện, tự giác, tự quyết, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí. Hoạt động phải theo quy chế, mang lại lợi ích cho nhân dân, được người dân đồng tình, ủng hộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, sau khi khảo sát thực tế từ cơ sở sẽ xây dựng đề án về mô hình tự quản, theo hướng mở, tập hợp về một đầu mối làm sao thiết thực và hiệu quả nhất. Về quy mô tổ chức, phạm vi và lĩnh vực hoạt động sẽ linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế ở từng địa phương; phát huy tính chủ động và sáng tạo ở cơ sở.
VINH ANH - THANH PHƯƠNG