Xác lập quyền sở hữu công nghiệp

TRIÊU NHAN 08/05/2018 09:22

Việc tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) được Quảng Nam chú trọng với hàng loạt đặc sản, sản phẩm làng nghề được cấp quyền sở hữu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức công tác này.

Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN, những năm gần đây, bên cạnh việc xác lập quyền SHCN cho một số sản phẩm đặc trưng của địa phương, các huyện/thành phố/thị xã của tỉnh còn xây dựng kế hoạch quản lý việc khai thác, sử dụng quyền SHCN sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) chứng nhận. Quảng Nam có 2 sản phẩm danh tiếng được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý gồm quế Trà My và sâm củ Ngọc Linh. Hiện tỉnh đã xây dựng hồ sơ và được cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với 30 nhãn hiệu. Riêng năm 2017, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ tạo lập quyền cho 18 sản phẩm và thực hiện quản lý, phát triển quyền SHCN cho 10 sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh. Trong năm 2017, Sở KH&CN cũng hỗ trợ 9 doanh nghiệp, cơ sở với tổng kinh phí 80 triệu đồng trong hoạt động đăng ký xác lập quyền SHCN, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO cho doanh nghiệp. Sở KH&CN còn hỗ trợ Hội Quế Trà My tổ chức đại hội thành lập Hội Sâm Ngọc Linh và quế Trà My.

Bà Ngô Phương Trà - Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại Đà Nẵng nhận định, công tác quản lý nhà nước về SHTT được Quảng Nam chú trọng đúng mức, với nhiều sản phẩm được bảo hộ về nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, nhìn nhận về vấn đề đăng ký, xác lập quyền SHCN trong doanh nghiệp ở Quảng Nam, bà Ngô Phương Trà cho rằng, nhìn chung, sự quan tâm của doanh nghiệp Quảng Nam ở lĩnh vực đăng ký bảo hộ quyền SHCN lại chưa nhiều, doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đăng ký, xác lập quyền SHCN trong sản xuất, kinh doanh. Sự đầu tư của doanh nghiệp về công tác đăng ký, xác lập quyền SHCN cũng chưa đồng đều, chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn. Bà Trà cho rằng, việc doanh nghiệp chưa mặn mà, chưa quan tâm tới việc đăng ký, xác lập quyền SHCN sẽ dẫn đến rất nhiều khó khăn, bất lợi, chưa kể là những tranh chấp phát sinh về quyền SHCN trong kinh doanh, trên thương trường. Bà Trà dẫn chứng, thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ thương hiệu ở Việt Nam và ở châu Âu, không một cá nhân, tổ chức nào xâm phạm được. Tất nhiên, đây là quá trình có sự vào cuộc rất lớn của Cục SHTT trong việc đăng ký, xác lập quyền SHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thương hiệu. “Ngay cả khi doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền SHCN đối với tài sản trí tuệ nhưng khâu quản trị không tốt, không định giá được thương hiệu, hoặc không gia hạn thời gian bảo hộ quyền SHCN mà không đăng ký bảo hộ ở nước ngoài… thì giá trị bảo hộ cũng bằng không nếu gặp phải những vướng mắc” - bà Trà nói.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN