Viết lại cuộc đời
Con đường hoàn lương đối với người chấp hành xong án phạt tù không hề đơn giản, nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm làm lại cuộc đời họ đã vươn lên trong cuộc sống.
Nghị lực và quyết tâm làm lại cuộc đời đã giúp nhiều người từng lầm lỡ vươn lên trong cuộc sống. Ảnh minh họa: Xưởng mộc của anh Đ.T.S, một người chấp hành xong án phạt tù ở TP.Tam Kỳ. |
1. “Từng đi tù” là nhận xét không mấy thiện cảm mà dư luận thường gán cho người chấp hành xong án phạt tù. Nhưng với chị Trương Thị Đ. (SN 1973, KP. 10, phường An Xuân, TP.Tam Kỳ), đó không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời. Bước qua những mặc cảm, chị nghĩ về tương lai mà đứng dậy, vì người thân, vì cuộc sống của chính mình. Chị Đ. ngập ngừng kể lại cho chúng tôi nghe, về quá khứ và con đường hoàn lương của mình. Năm 1997, chồng chị tham gia bán cần sa. Là vợ, từ việc không khuyên được chồng, dần dần chị cũng theo chồng phạm pháp. Vì hành vi này, chị bị kết án 5 năm tù giam, chồng chị thì mang án 10 năm. Những năm tháng chấp hành án bắt đầu với ám ảnh tăm tối. Nhưng nhờ đó, chị có cơ hội ngẫm lại đời mình, nhận ra lầm lỗi để quyết tâm nỗ lực vực dậy. Vì chấp hành tốt nội quy của trại, chị được giảm án trước thời hạn. Tuy nhiên, sau khi trở về, chị và chồng ly hôn. Khó khăn lại bắt đầu với người phụ nữ một mình nuôi ba con nhỏ. Chị bắt đầu con đường hoàn lương bằng cách tìm kiếm việc làm để trang trải cuộc sống. Chị mua một xe đẩy để bán bánh mỳ ở đường Trần Cao Vân. Đến năm 2007, chị đăng ký thuê một lô ở chợ, mở tiệm bán sinh tố nhỏ. Sáu giờ sáng rời nhà, khi thành phố đã vắng người, chị mới trở về. Nhờ tảo tần, tích góp, chị mua được một căn nhà nhỏ để các con có cuộc sống ổn định. .
Những tháng năm cứ chầm chậm trôi như thước phim cũ qua lời kể của chị. Hành trình đối diện với quá khứ, cố gắng làm lại cuộc đời là cả một nỗ lực không ngừng. Cuộc đời không dừng lại sau án phạt tù. Chị đứng dậy, sống tiếp, một cuộc sống bình dị mà thiện lương cho chính mình. Điều mà chị tiếc nuối, là đứa con trai lại dính vào cần sa. Sau án phạt 9 tháng tù treo, cậu con trai vẫn tiếp tục lún sâu. Bây giờ, chị vừa phải lo lắng cho gia đình, vừa gom góp dành dụm để đưa con đi chữa trị bệnh loạn thần sau những tháng năm dài sử dụng cần sa và “cỏ Mỹ”. “Mình không lựa chọn được số phận, nhưng mình có thể lựa chọn được cách sống. Dù có khó khăn, nhưng tôi sẽ cố gắng lo cho con mình. Tôi đã từng sai lầm nên không muốn con mình mắc sai lầm. Còn sống ngày nào thì tôi còn phải lo cho nó, giúp nó tránh xa ma túy. Cực khổ mấy tôi cũng chịu đựng được, chỉ mong sao các con tôi tỉnh ngộ” - chị giấu tiếng nấc nghẹn mà nước mắt lăn dài.
2. Câu chuyện của Trần Quốc Th. (SN 1993, khối phố Phước Hòa, phường Cửa Đại, TP.Hội An) là một mảng màu khác của những cuộc đời hoàn lương sau án phạt tù. Tháng 11.2014, Th. tham gia một cuộc ẩu đả giữa hai nhóm thanh niên, tấn công một người khác thương tích và phải nhận án phạt tù. Ngày bị bắt, Th. mới thực sự hối hận về hành động bồng bột của mình. Điều an ủi, là khi Th. cải tạo trong trại giam, gia đình, người yêu luôn sát cánh động viên, chia sẻ trong những lần mệt mỏi, nản chí nhất. Để đáp lại tình thương của mọi người, Th. nỗ lực cải tạo tốt và anh đã được về trước thời hạn. Ngày 16.4.2016, Th. trở về địa phương với quyết tâm làm lại cuộc đời. Th. - tâm sự: “Người bình thường cố gắng một, mình phải cố gắng gấp đôi. Bởi, từng vào trại, niềm tin của xã hội ở mình cũng không còn như trước”.
Để làm lại cuộc đời, Th. đã gạt hết quá khứ, xây dựng gia đình và chuyên tâm cho công việc. Trong các mối quan hệ, Th. luôn cẩn trọng để không vi phạm pháp luật hoặc có điều tiếng không hay. Sự nỗ lực của Th. đã được ghi nhận. Một khách sạn ở phường Cẩm Châu (TP.Hội An) mời Th. về làm nhân viên bảo trì mộc. Đến tháng 9.2017, Th. chuyển sang làm việc cho một khách sạn quy mô hơn, cũng tại Hội An. Th. cho biết, hiện nay vẫn làm công việc bảo trì mộc nhưng kiêm thêm bảo trì điện nước và nhiều công việc khác. Với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng, hiện Th. là trụ cột chính của gia đình. Ngoài công việc, Th. dành hầu hết thời gian cho vợ con. Ngôi nhà nhỏ của Th. lúc nào cũng rộn rã tiếng cười của con trẻ. Thiếu tá Lê Thanh Đức - Phó Công an phường Cửa Đại cho biết: “Th. là điển hình tiêu biểu trong mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian đến, chúng tôi sẽ nhân rộng tấm gương của Th. để những người chấp hành xong án phạt tù noi theo, học tập”.
“Ngưng cố gắng là cách nhanh nhất để tự hủy hoại cuộc đời mình. Cuộc đời đã cho mình một cơ hội để làm lại, phải tự nắm bắt lấy nó” - Th. nói. Chúng tôi tin, từ sau những bản án, vẫn luôn là một cuộc sống khác, một cánh cửa trở về thiện lương để chờ đón bao người từng lầm lỗi, như chị Đ., Th. và nhiều người khác nữa…
THÀNH CÔNG - PHƯƠNG NAM