Chăm lo đời sống người lao động
Các cấp công đoàn cơ sở (CĐCS) trong toàn tỉnh, đặc biệt doanh nghiệp lớn đã quan tâm đến đời sống của công nhân lao động (CNLĐ) một cách sâu sát và thiết thực.
Công nhân lao động ở các doanh nghiệp đã được quan tâm chăm lo đời sống đảm bảo hơn. Ảnh: D.L |
Hiện nay toàn tỉnh có 145.394 công nhân, viên chức, lao động; trong đó có 86.783 CNLĐ ở doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, chất lượng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trong các lĩnh vực từng bước được nâng lên, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ thuật, thích ứng với cơ chế thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, lực lượng trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội là CNLĐ đã được các doanh nghiệp dành sự quan tâm nhiều hơn, chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần.
Công ty TNHH Tấn Minh hiện có mạng lưới xí nghiệp may Ánh Sáng đóng tại các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình với tổng cộng 1.500 CNLĐ. Theo ông Trương Đức Lãnh - đại diện CĐCS Công ty TNHH Tấn Minh việc chăm lo chế độ, chính sách cho CNLĐ luôn được công ty quan tâm thực hiện. Ông Lãnh nói: “May mặc là ngành cần nhiều lao động, nên chăm lo cho đời sống của CNLĐ tốt sẽ giúp giữ chân họ gắn bó với công ty bền chặt hơn. Công ty thực hiện đóng các khoản bảo hiểm đầy đủ cho lao động khi bắt đầu ký hợp đồng lao động, các chế độ ốm đau, thai sản luôn được giải quyết nhanh chóng. Khi CNLĐ gặp khó khăn, dựa trên đề xuất của các tổ công đoàn, công ty trợ cấp 5 triệu đồng/trường hợp... Bữa ăn trưa cho lao động đóng vai trò quan trọng nhằm tái tạo sức lao động, nên chúng tôi quán triệt bếp ăn phải đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, thu nhập bình quân của lao động công ty là 6,4 triệu đồng/người/tháng”.
Ông Dương Tấn Ó - Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) nhận định, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản tuân thủ quy định pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, tổ chức ký kết thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động với CNLĐ, xây dựng và đăng ký thang, bảng lương theo quy định. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động được các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện cơ bản đầy đủ. Điều kiện môi trường làm việc trong các doanh nghiệp từng bước được cải thiện, doanh nghiệp luôn chú trọng công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ vì người lao động và vì chính doanh nghiệp. Tổ chức CĐCS ở các doanh nghiệp đã thực hiện được vai trò tham mưu, cầu nối giữa chủ sử dụng lao động với người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ. Từ đó, đời sống của CNLĐ trong những năm gần đây được nâng lên nhờ có việc làm ổn định, thu nhập của CNLĐ bình quân ở mức 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy vậy, theo Ban Chính sách pháp luật, qua theo dõi thực tế cho thấy thì ở các khu vực sản xuất kinh doanh thu nhập có cao hơn nhưng không đồng đều, các doanh nghiệp tư nhân tiền lương thấp và không ổn định, có sự chênh lệch về thu nhập tiền lương giữa các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cuộc sống của CNLĐ vẫn còn gặp khó khăn nhất là về nhà ở, phần lớn CNLĐ sống ở các khu nhà trọ của người dân. Có đến hơn 60% là lao động nông thôn, lao động ngoại tỉnh dẫn đến sức ép về nhà ở, quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp rất cao. Đây là những mối quan tâm mà công đoàn các cấp cần quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.
LÊ DIỄM