Con thuyền nằm nhớ
Những mảng lục bình xanh phủ kín, như giấu lấp nốt khúc sông Trường Giang đang nhọc nhằn trôi về phía biển. Nơi đó, cất giữ ký ức xa vắng của Phước Châu (xã Bình Triều, Thăng Bình), với bao phận đời nổi nênh cùng nghề chài lưới. Ngư dân nay đã lên bờ.
Những chiếc thuyền lưới hiếm hoi còn sót lại ở làng Phước Châu. Ảnh: T.N |
Con thuyền cũ mục nát nằm khuất lấp dưới đám lục bình. Phía sông, không còn những cơn gió lồng lộng, mà như hắt khô nóng của tháng 5 vào bờ. Lục bình nở tím sông, nhưng chỉ đẹp trong con mắt của người mơ mộng. Dân Phước Châu, nhất là những người từng nửa đời gắn bó với sông nước, đã quá ngán ngẩm với lục bình. Ít ai ngờ, dòng sông chật hẹp phủ kín lục bình kia từng là nơi mưu sinh của một xóm vạn chài. Ông Bùi Tấn Thêm (tổ 19, thôn Phước Châu) kể lại, sau giải phóng, người dân nơi này hầu như nhà nào cũng có một chiếc thuyền nhỏ, sống thênh thang bằng chài lưới trên dòng Trường Giang qua làng. Xóm Bến, tên của làng ngày ấy, là xóm vạn chài. “Có những nhà cho cả con cái lên ghe ở, múc nước sông vo gạo nấu cơm. Trẻ con đứa nào cũng biết bơi, sinh ra là đã gắn với sông nước. Nghề chài này thong thả nhưng đủ sống. Năm đứa con tôi ngày xưa cũng lớn khôn nhờ khúc sông này” - lão ngư nói. Lời kể theo ánh nhìn của ông già, thả rơi đâu đó phía đám lục bình.
Cả thôn Phước Châu có hơn 50 hộ sống ven sông, lấy việc đánh cá làm nghề. Nhưng đó là chuyện của chừng mười năm trước. Bây giờ, những chiếc thuyền đánh cá lọt thỏm giữa mảng lục bình, nằm trơ trọi. Sông ô nhiễm nặng, cá tôm mất dần. Người làng chài cũng gác chèo, lên bờ tìm kế sinh nhai. Ông Bùi Tấn Xu - Bí thư chi bộ thôn Phước Châu cho biết, mặt sông bị bèo và rau muống phủ kín, không còn rạch cho ghe thuyền chạy qua đánh bắt. Đến mùa nước mặn tràn vào, bèo chết làm nước sông hôi thối. Nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, thuốc trừ sâu, diệt cỏ trên ruộng theo mạch ngầm chảy ra. Nhiều hộ dân còn dùng phương pháp kích điện, sử dụng dụng cụ đánh bắt cỡ mắt quá nhỏ đã tận diệt đến những tôm cá nhỏ nhất. Những biến đổi từ khí hậu, từ con người cứ lặng thầm giết chết một khúc sông Trường Giang, xóa sổ luôn nghề chài lưới vốn một thời nhộn nhịp. Trước những ngôi nhà bên mé sông, mảnh lưới rối vứt bừa vào gốc tre.
Anh Võ Đình Lợi (tổ 19, Phước Châu) đã bỏ nghề cá, lên bờ làm phụ hồ. Vất vả, nhưng thu nhập có phần ổn định hơn, đủ để cho anh trang trải cuộc sống. Cạnh nhà anh Lợi, ông Trần Xuân Vinh be bờ, đào ao cá, lấy đó làm nguồn sống, bỏ hẳn nghề chài lưới. Nhưng ao cá cũng không tồn tại được lâu. “Bẩn quá không con gì sống nổi. Cái ao tôi cũng đành bỏ không, lâu lâu thả vài con vịt, cho đỡ muỗi” - ông Vinh cười, cái cười nghe nặng trịch như chiếc thuyền len lỏi giữa dòng sông nghẽn.
Anh Phan Văn Tám, người trong thôn Phước Châu, là một người trẻ hiếm hoi còn bám trụ lại với sông nước. Đều đặn mỗi ngày, anh chèo ghe giăng lưới từ 4 giờ chiều, đến nửa đêm lại ra kéo cá. So với trước đây, lượng tôm cá đánh giảm còn một phần mười, bù lại, giá cả có phần nhỉnh hơn. Nhưng trong nghĩ suy của anh, những mặn mà với nghề đã không còn nữa. Nếu có việc khác thu nhập ổn định hơn, anh nói, nhất định cũng lên bờ.
Ngư dân lên bờ. Làm nông, phụ hồ, buôn bán, làm đủ nghề để sống, nhưng ký ức một làng chài vẫn nằm đâu đó trong trí nhớ, trong niềm nuối tiếc của bao người. Những con thuyền nằm nhớ. Người, cũng hoài mong về một dòng Trường Giang xưa.
PHƯƠNG GIANG - TAM NƯƠNG