Bê bối tranh giả gây chấn động tại Pháp
Những người quan tâm đến nghệ thuật, đặc biệt là nhiều họa sĩ bức xúc trước vụ bê bối phát hiện hơn một nửa số tranh trưng bày tại bảo tàng Etienne Terrus là giả.
Khách thăm quan bảo tàng Etienne Terrus. Ảnh: AFP |
Eric Forcada - một nhà sử học nghệ thuật được mời tham gia một dự án tại bảo tàng Etienne Terrus thuộc vùng Elne, thị trấn Pyrenees, miền nam nước Pháp. Bảo tàng là nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của danh họa Etienne Terrus (1857 - 1922) - người địa phương. Trong lúc sắp xếp lại bộ sưu tập của Etienne Terrus, ông Eric Forcada bất ngờ phát hiện có điều gì đó không ổn với các bức tranh của cố họa sĩ Etienne Terrus. Eric Forcada dùng găng tay nhẹ nhàng xoa lên chữ ký của Terrus thì ngay lập tức nó bị xóa đi và để lộ một chữ ký khác ngay bên dưới đó. Forcada nói với nhân viên bảo tàng rằng ông nghi ngờ tác phẩm nghệ thuật này là giả mạo. Ông Eric Forcada cảnh báo tùy viên văn hóa của khu vực và yêu cầu một cuộc họp của các chuyên gia để xác nhận những phát hiện của mình. Sau khi triệu tập một nhóm nhà sử học nghệ thuật, các chuyên gia nghệ thuật để kiểm tra và thẩm định kỹ lưỡng, kết quả phát hiện hơn một nửa bộ sưu tập của Terrus tại bảo tàng này là giả mạo.
Thị trưởng Elne - ông Yves Barniol cảm thấy tức giận và buồn bã. Ông nói lấy làm tiếc khi khách tham quan đã bị đánh lừa vì nghĩ rằng có cơ hội đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp vùng Roussillon qua các tác phẩm của danh họa Terrus, nhưng trên thực tế là đã ngắm những bức tranh giả. “Etienne Terrus là họa sĩ vĩ đại của Elne. Ông là một phần của cộng đồng, ông là họa sĩ của chúng tôi. Biết rằng mọi người đã đến thăm bảo tàng và thấy một bộ sưu tập hầu hết là giả mạo, điều đó thật tệ. Đó là một thảm họa cho thành phố” - thị trưởng Yves Barniol phát biểu. Về khía cạnh phong cách và nội dung, các bức tranh giả khá là thô. Vật liệu vải bông không phù hợp với loại vải được sử dụng bởi Terrus. Và giả thấy rõ là hình ảnh một tòa nhà lại có thể xuất hiện trên một bức tranh của một họa sĩ đã qua đời trước khi tòa nhà đó được xây dựng.
Trên thực tế, nạn tranh giả không chỉ diễn ra tại Pháp mà còn tại nhiều nước khác trên thế giới. Điều đó gây tổn thương cho những bức tranh thật vốn rất có giá trị và chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng thanh danh nghệ thuật của nhiều họa sĩ đam mê hội họa, miệt mài lao động để đóng góp cho nền nghệ thuật. Điều đáng sợ, theo nhiều chuyên gia thì ranh giới giữa cái thật - cái giả trong mỹ thuật hiện nay không phải luôn rõ ràng, nhất là trong lĩnh vực tranh giả, tranh nhái. Ông Forcada nói rằng trước khi xảy ra vụ bê bối, bức tranh giả của Terrus này có giá tới 15.000 euro (khoảng 413 triệu đồng). Còn bảo tàng Etienne Terrus trả 256.000USD cho 82 tác phẩm được tin rằng do Etienne Terrus vẽ, nhưng hóa ra là tranh giả, và mới đây mới đây họ đầu tư hơn 300.000USD để trùng tu bảo tàng. Forcada chua xót tuyên bố, toàn bộ thị trường nghệ thuật địa phương là một “ổ dịch” tranh giả, từ người bán hàng, các nhà sưu tập tư nhân, cho đến những người buôn cổ vật và nhà đấu giá, gây thiệt hại rất lớn. Ông Yves Barniol đã đệ đơn kiện về hành vi giả mạo, sử dụng hàng giả, hàng nhái và lừa đảo. Cư dân mạng thì nhanh chóng có những bình luận của riêng mình về thủ phạm của vụ lừa đảo thế kỷ tại Elne. “Nghe như một vụ có tay trong vậy” – một người dùng Twitter tên Trace Vickery phỏng đoán.
QUỐC HƯNG