Nỗi đau tai nạn lao động

LÊ DIỄM 04/05/2018 14:03

Tháng 11.2017, một vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đau lòng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Sedo Vinako (Duy Xuyên), khiến ông N.T.K. (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) thiệt mạng. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, ông K. cùng với một số lao động khác đang làm việc ca 3. Theo camera quan sát của công ty, lúc gần sáng, ông K. cùng một người khác đi vào khu vực bên trong của máy sản xuất vải không dệt, chỉ vài giây đã nghe thấy tiếng la của ông K. Lúc này, người đi cùng ông K. chạy ra dừng máy và cùng với các lao động khác đi vào bên trong thì phát hiện ông K. bị băng tải cuốn vào phần tay phải, đầu va đập mạnh. Ngay lập tức công ty đã đưa ông K. đi cấp cứu nhưng không qua khỏi do vết thương quá nặng.

Theo điều tra của Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn của Công an huyện Duy Xuyên, tai nạn xảy ra do ông K. sơ ý trong quá trình làm việc nên bị máy cuốn. Sau vụ việc này, Công ty Sedo Vinako đã hỗ trợ gia đình lo mai táng với chi phí 50 triệu đồng, đồng thời trợ cấp hàng tháng cho con nhỏ của ông K. mỗi tháng 5 triệu đồng; công đoàn công ty cũng trợ cấp cho con ông K. mỗi năm 12 triệu đồng. Người lao động trong công ty với tinh thần tương thân tương ái đã ủng hộ tùy tâm, góp được 30 triệu đồng hỗ trợ gia đình ông K. Những sự đóng góp trên, không thể đem ra so sánh, là một phần động viên gia đình lúc khó khăn. Nhưng sự ra đi của ông K. đã để lại gánh nặng trên đôi vai người vợ là bà Nguyễn Thị Minh Tâm. Giờ đây, chỉ với nghề làm nông, bà Tâm phải quán xuyến gia đình, lo cho cuộc sống của cha mẹ chồng, con nhỏ.

Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH, năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 238 vụ tai nạn lao động làm 240 người bị nạn; trong đó có 10 người chết, 12 người bị thương nặng. Trong đó, có 58 vụ do lỗi của người sử dụng lao động, 70 vụ do lỗi của người lao động, 110 vụ do nguyên nhân khách quan, khó tránh. Các vụ TNLĐ xảy ra đa số thuộc các ngành nghề có nguy cơ cao về an toàn vệ sinh lao động như khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và một số ngành nghề khác. Nguyên nhân vụ TNLĐ phần lớn là người lao động không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chưa được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, do máy, thiết bị không đảm bảo an toàn... Ngoài ra, ngành y tế khám phát hiện 35 người bị mắc bệnh nghề nghiệp suy giảm sức khỏe từ 31% trở lên, đa số mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường như khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng… Những bất cẩn, chủ quan của người dân cũng đã gây ra 29 vụ cháy, làm 4 người bị thương và 1 người chết. Vì vậy, cẩn trọng trong quá trình lao động, kiểm soát được các yếu tố gây nguy hiểm luôn hết sức cần thiết nhằm hạn chế TNLĐ một cách thấp nhất, tránh xảy ra tình huống đáng tiếc cho người lao động và cả gia đình họ.

LÊ DIỄM

LÊ DIỄM