Củ, quả hỗ trợ trị đái tháo đường
(QNO) - Chế độ ăn uống giữ một vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh đái tháo đường mức độ nhẹ, tiền đái tháo đường.
Bí ngô ngăn ngừa và chữa trị đái tháo đường. |
Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn đọc có thể kết hợp sử dụng một số chế độ ăn với các loại củ quả dưới đây để hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, điều bạn cần lưu ý là theo dõi và ghi nhớ hàm lượng sử dụng (nước uống từng loại củ, quả mỗi ngày); đo lượng đường thường xuyên nhằm điều chỉnh hàm lượng theo tình trạng bệnh của mình, phòng ngừa lượng đường huyết xuống quá thấp rất nguy hiểm như khi bạn đang lái xe di chuyển, đang tắm...
Bí đao: vị ngọt, tính hơi hàn, không độc, quy kinh tỳ, vị, đại trường, tiểu trường. Tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc, sinh tân, chỉ khát, lợi niệu, tiêu phù. Trường hợp tiêu khát, đi tiểu nhiều dùng bài: Vỏ bí đao 15g, vỏ dưa hấu 15g, sắc nước uống hàng ngày. Hoặc dùng củ mài 30g, bí đao 100g, lá sen 30g. Sắc uống trong ngày.
Bí ngô: Theo những kết quả nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, bí ngô không chỉ là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là một bài thuốc tốt cho bệnh tiểu đường. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, bí ngô có tác dụng phục hồi các tế bào trong tuyến tụy và hoàn toàn có khả năng ngăn ngừa và chữa trị đái tháo đường.
Bí ngô 250g, thái miếng, hấp chín mềm, ăn hàng ngày, ăn liền 20-30 ngày.
Cà rốt: Trong khi các loại đường có các loại thực phẩm chuyển thành đường trong máu một cách nhanh chóng, thì đường trong cà rốt lại chuyển hóa ở mức độ chậm chạp. Cà rốt được cho là rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường nó cung cấp beta-carotene giảm nguy cơ của bệnh đái tháo đường và kiểm soát đường huyết tố.
Cà rốt tươi, gạo tẻ, lượng vừa đủ, nấu cháo ăn trong ngày.
Mướp đắng: Trong mướp đắng xanh có chứa các hoạt chất charantin, glycosid steroid, có tác dụng hạ đường máu, làm chậm sự phát triển các bệnh về võng mạc và đục thủy tinh thể và làm tăng khả năng dung nạp glucose của người bệnh. Mướp đắng còn có tác dụng chống ôxy hóa, loại bỏ gốc tự do - một trong những nguyên nhân gây đái tháo đường.
Mướp đắng: Có 2 cách dùng: Dạng tươi làm rau ăn hàng ngày mỗi ngày từ 50-100g; dạng khô, tán thành bột, mỗi lần 10g, ngày uống 3 lần hãm với nước sôi uống thay trà.
Đậu đỗ: Chế độ ăn gồm nhiều loại đậu, đỗ có thể giúp kiểm soát chỉ số đường huyết cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ ở những bệnh nhân đái tháo đường týp 2. Đậu là nguồn chất xơ tốt nhất trong chế độ ăn kiêng, nó không những giúp no lâu, làm giảm sự tiêu hóa thức ăn mà còn ổn định đường huyết sau khi ăn. Chính vì vậy mà đậu làm ổn định được lượng đường trong máu.
Đậu ván trắng: 30g, mộc nhĩ đen 30g, sấy khô, tán bột uống mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 3-5g.
Đậu xanh 30g, lá hồng 30g. Sắc nước uống hàng ngày.
Đậu đỏ khô có vỏ 50g, nấu ăn hàng ngày.
Cà chua: Trong cà chua chứa nhiều vitamin A, C, K, vitamin B6, magie, đồng, phốt pho. Cà chua chứa rất ít cholesterol, chất béo bão hòa, natri và calo. Do vậy, cà chua có thể giúp người bệnh đái tháo đường đẩy lùi được bệnh mỡ máu và tăng huyết áp vốn là những biến chứng của bệnh đái tháo đường. Đặc biệt tốt khi người bệnh đái tháo đường sử dụng cà chua để làm salad, nước sốt và sinh tố.
Hành tây: Theo nghiên cứu của y học hiện đại: Hành tây bao gồm các hợp chất S-methylcysteine, flavonoid và quercetin. Hành tây làm giảm glucose và chất béo, cũng như giảm ôxy hóa, tăng bài tiết insulin và kích thích hoạt động của enzym chống ôxy hóa. Theo Trung y dược dưỡng sinh: Hành tây xào chín, ăn hàng ngày có tác dụng ôn trung, hạ khí, tiêu cốc, chữa đái tháo đường. Hoặc dùng hành tây 1 củ, rửa sạch, chần qua nước sôi, vớt ra để ráo, thêm gia vị, chia ăn ngày 2 lần. Cũng có thể xoay nhuyễn, lọc lấy nước hoặc cắt nhỏ hành tây hãm, ngâm trong nước và uống như trà mỗi ngày.
Lá xoài: có vị chua ngọt, tính mát, có tác dụng làm mát, lợi tiểu, trong lá xoài có chất anthxyanhdin có tác dụng hạ đường huyết phòng các biến chứng ở mắt và mạch máu do bệnh đái tháo đường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số hợp chất trong lá xoài có tác dụng chữa bệnh tương tự như các loại thuốc trị đái tháo đường và làm giảm cholesterol.
Lấy khoảng 5 lá xoài non cắt sợi rồi cho vào cốc, đổ nước sôi vào rồi để qua đêm. Mỗi sáng uống hết ly nước lá xoài này, bỏ phần xác.
Để dùng dần lấy lá xoài non phơi trong bóng râm cho đến khi khô, đem nghiền thành bột dùng vào buổi sáng và buổi chiều, mỗi lần nửa muỗng cà phê bột lá xoài pha loãng với ly nước đầy. Lưu ý không áp dụng nhiều lần trong ngày vì có thể khiến cho lượng đường huyết giảm quá thấp gây hạ đường huyết. Không uống nước lá xoài gần với các loại thuốc khác, tốt nhất là uống cách nhau 2 - 3 giờ.
Theo suckhoedoisong.vn