90% dân số thế giới hít thở không khí ô nhiễm mỗi ngày
(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát đi báo cáo mới nhất, cảnh báo hàng triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí ngày càng tồi tệ.
Ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: breakingenergy |
Theo thống kê mới nhất của WHO, mặc dù thế giới có nhiều nỗ lực cứu lấy môi trường nhưng cứ 9 trên 10 người dân trên trái đất đang vẫn phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm mỗi ngày. Hệ lụy từ ô nhiễm đó khiến trung bình 7 triệu người tử vong mỗi năm do tiếp xúc với những hạt mịn trong không khí ô nhiễm. Các hạt này có khả năng thâm nhập sâu vào phổi và hệ tim mạch, gây ra các bệnh như đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nhiễm trùng đường hô hấp, kể cả viêm phổi. Chỉ tính riêng năm 2016, ô nhiễm không khí ngoài trời hay xung quanh gây ra khoảng 4,2 triệu ca tử vong, trong khi ô nhiễm không khí từ các hộ gia đình do nấu ăn với nhiên liệu và công nghệ gây ô nhiễm như phân khô, gỗ, than khiến 3,8 triệu ca tử vong.
Hơn 90% số ca tử vong do ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Ví như, số liệu của WHO cho thấy mức độ ô nhiễm không khí xung quanh cao nhất là ở khu vực Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, với mức trung bình hàng năm thường vượt quá giới hạn của WHO gấp 5 lần. Còn tình trạng ô nhiễm diễn ra tại các thành phố của những quốc gia có thu nhập cao ở châu Âu sẽ làm giảm tuổi thọ trung bình của người dân các thành phố đó khoảng 2 năm, tùy theo mức độ ô nhiễm.
Tiến sĩ Maria Neira - Giám đốc Ủy ban của WHO về y tế công cộng, môi trường và ảnh hưởng của yếu tố xã hội tới sức khỏe, cho hay: “Tôi e thảm kịch thực sự là mức ô nhiễm không khí vẫn ở tình trạng báo động nguy hiểm tại nhiều khu vực trên thế giới. Thực trạng này không chỉ là nguy cơ lớn nhất về môi trường tới sức khỏe, mà còn là một thách thức to lớn với y tế công cộng”. Bà Neira cũng cho biết một tín hiệu khả quan là nhiều thành phố đang quan tâm, giám sát chất lượng không khí và dữ liệu kịp thời, đầy đủ sẽ giúp ích cho chính quyền kịp thời làm sạch không khí, cải thiện chất lượng cuộc sống.
New Delhi (Ấn Độ) - một trong những khu vực ô nhiễm nhất thế giới. Ảnh: youthkiawaaz |
Theo WHO, giới hạn trung bình quan trắc định kỳ cho các hạt vật chất có đường kính dưới 2,5 micromet (PM2.5) là 10 μg/m3, ở dạng này hoặc nhỏ hơn thì các hạt vật chất đó có khả năng thâm nhập sâu vào phổi và hệ tim mạch. Loại hạt này tồn tại trong không khí gồm có những chất như sulfat, nitrat và cacbon đen, được tạo ra chủ yếu bởi xe hơi và xe tải lưu thông trên đường, các nhà máy công nghiệp, nhà máy điện và nông nghiệp.
Trước thực trạng này, WHO dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm môi trường và sức khỏe trong năm nay để thúc đẩy sự thay đổi trong cách hành động ở cấp toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí.
NAM VIỆT